Ngay sau khi ký vào bản hợp đồng mua bản quyền phát sóng World Cup 2018 trên lãnh thổ Việt Nam, VTV đã lập tức cùng một số các đơn vị truyền hình ngồi họp bàn phương án để bảo vệ bản quyền truyền hình, đặc biệt là tìm giải pháp bảo vệ bản quyền trên Internet.
Theo nguồn tin riêng của ICTnews, ngay sau khi ký vào bản hợp đồng mua bản quyền phát sóng World Cup 2018 trên lãnh thổ Việt Nam, VTV đã lập tức cùng một số các đơn vị truyền hình ngồi họp bàn phương án để bảo vệ bản quyền truyền hình, đặc biệt là tìm giải pháp bảo vệ bản quyền trên Internet. Trong trường hợp bản quyền World Cup 2018 bị xâm hại, rất có thể người Việt Nam sẽ không thể xem trọn vẹn giải đấu.
Thời gian vừa qua, vấn nạn vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet trở lên nhức nhối hơn bao giờ hết, các đơn vị truyền hình đã phải chịu thiệt hại nặng nền khi bị hàng trăm trang web và ứng dụng lậu sử dụng trái phép hình ảnh mà các đơn vị truyền hình nắm giữ bản quyền. Trong hai năm 2016 và 2017 VTVcab đã hai lần buộc phải ngừng phát sóng giải UEFAChampions League, UEFAEuropa League (Cúp C1 và C3) vì lý do bị các đơn vị khác xâm hại bản quyền trên Internet.
Sau khi VTVcab bị mất quyền phát sóng, K+ đã đàm phán và mua lại bản quyền hai giải đấu này trong 3 năm, nhưng ngay sau khi K+ sở hữu thành công bản quyền Champions League và phát sóng những trận đấu đầu tiên trong khuôn khổ vòng 1/8 Champions League 2017/18 chỉ 1 ngày sau khi phát sóng thì tình trạng xâm phạm bản quyền đã ngang nhiên diễn ra. Một số cá nhân, cơ quan truyền thông đã truyền hình trực tiếp (live streaming) trận đấu trên hệ thống của mình, cũng như trên nền tảng mạng xã hội như Facebook... Hồi tháng 4/2017, K+ đã tính đến việc phải đề nghị cơ quan Công an (PC50, A68) điều tra các cá nhân, tổ chức vi phạm, đồng thời K+ chuẩn bị cả khả năng khởi kiện ra tòa trong trường hợp cần thiết để bảo vệ bản quyền truyền hình hai giải đấu Cúp C1 và C3.
Đối với bản quyền phát sóng World Cup 2018, VTV đã mua đầy đủ quyền phát sóng trên tất cả các hạ tầng truyền hình, trên Internet và trên mobile, VTV cũng được quyền chia sẻ bản quyền cho bên thứ ba.
Trả lời trên VTV1 mới đây, ông Nguyễn Hà Nam, đại diện truyền thông của VTV đã nhân mạnh đến việc phải bảo vệ bản quyền hết sức chặt chẽ, bởi đây là những điều kiện ràng buộc bắt buộc của FIFA khi ký kết hợp đồng bản quyền truyền thông tại Việt Nam. Một khi xảy ra vi phạm, đặc biệt là vi phạm làm tín hiệu chương trình từ Việt Nam bị tràn sang nước ngoài, vượt giới hạn địa lý, khi đó chúng ta đã vi phạm hợp đồng và FIFA có toàn quyền dừng sóng bất cứ lúc nào.
Theo ông Nam, bảo vệ bản quyền là điều bắt buộc trong hợp đồng với FIFA cũng như các giải thể thao lớn khác. Khi thực hiện hợp đồng VTV sẽ triển khai các giải pháp để bảo vệ bản quyền một cách quyết liệt, đề nghị sự vào cuộc phối hợp của các cơ quan chức năng nhằm bảo đảm việc thực hiện đúng hợp đồng ký kết. VTV cũng hy vọng người xem sẽ tham gia vào công tác bảo vệ bản quyền.
Sau khi VTV có được bản quyền, các đơn vị truyền hình đã rất sốt sắng trong việc đề nghị chia sẻ quyền phát sóng, cũng như xin quyền được tiếp sóng, sử dụng hình ảnh và video các trận đấu World Cup 2018.
Lãnh đạo Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) mới cho hay, VTV cơ bản đã đồng ý san sẻ bản quyền truyền hình Vòng chung World Cup 2018, tức HTV sẽ được sử dụng sóng sạch. Điều này đồng nghĩa HTV hoàn toàn được tự chủ trong việc khai thác quảng cáo, tổ chức bình luận trận đấu bằng đội ngũ bình luận viên của mình. Tuy nhiên dù VTV đồng ý nhưng vẫn phải chờ xác nhận cuối cùng từ FIFA.
Theo thông báo của VTV, VTV sẽ tường thuật trực tiếp toàn bộ 64 trận đấu trong khuôn khổ Giải vô địch bóng đá thế giới FIFA World Cup 2018. Khán giả có thể xem trực tiếp các trận đấu trên các kênh sóng VTV2 & VTV2HD, VTV3 & VTV3HD và VTV6 & VTV6HD.
Các hệ thống truyền hình trả tiền như SCTV, VTVcab, K+, Viettel, MyTV, FPT đều đã lên kế hoạch để tiếp sóng các trận đấu trên hệ thống. Một số ứng dụng trên Internet cũng đã tính đến phương án chia sẻ quyền phát sóng trên Internet.
(Theo ICTnews)