Truyền hình truyền thống có thể đi vào ngõ cụt, thậm chí liên quan đến vấn đề tồn tại hay không tồn tại nếu như không dịch chuyển sang môi trường số.
Lễ Khai mạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc (LHTHTQ) lần thứ 38 - năm 2018 vừa diễn ra tại Nhà văn hóa Lao động Lâm Đồng và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 vào lúc 20h10 ngày 19/12/2018. Trước lễ khai mạc diễn ra, công tác chấm thi của Ban Giám khảo đã diễn ra liên tục từ 17/12 để kịp đánh giá, lựa chọn các tác phẩm xuất sắc nhất trao giải trong kỳ Liên hoan năm nay.
Tới dự lễ khai mạc Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong thời đại số, truyền hình truyền thống nếu không thay đổi sẽ đứng trước nguy cơ đi vào ngõ cụt, thậm chí liên quan đến vấn đề tồn tại hay không tồn tại.
Trước đây khi nói đến truyền hình, chúng ta hình dung ngay là những cột phát sóng, là những chiếc tivi cồng kềnh, là cả ekip với thiết bị lên đến hàng tạ để có một bản tin, một tác phẩm. Nhưng bây giờ chỉ cần một nhóm rất nhỏ, thậm chí một phóng viên hay một người bình thường với những thiết bị thông minh thậm chí là một chiếc smartphone cũng có thể làm được tin, làm được một tác phẩm, cũng có thể xem được truyền hình ở mọi nơi, mọi lúc.
Không quá để nói rằng, ngành truyền hình chưa bao đối diện với nhiều thách thức phải thay đổi như hiện nay khi mà sự phát triển của mạng xã hội, Internet, công nghệ số đã và đang làm thay đổi gần như hoàn toàn cách tiếp nhận thông tin từ khán giả. Khán giả hiện này không còn tiếp cận thông tin một cách thụ động, thay vào đó họ chủ động tìm thông tin mà họ muốn trên Intertnet, trên mạng xã hội.
Ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng giám đốc VTV cũng cho biết, truyền hình truyền thống ngày càng mất dần, điều này đã được đã cảnh báo từ 5, 6 năm trước đây. Xu thế này ngày càng trở nên rõ hơn với sự bùng nổ của Internet, mạng xã hội... Nếu chúng ta không dịch chuyển, chúng ta sẽ tụt hậu, chúng ta sẽ mất khán giả.
Hiện nay các nhà sản xuất nội dung truyền hình phải trả lời câu hỏi làm thế nào để các chương trình truyền hình có thể đến với đông đảo khán giả, tăng tỷ lệ rating trong bối cảnh khán giả dần dần xa rời màn hình truyền thống, dịch chuyển sang sử dụng các thiết bị thông minh khác, đây là những câu hỏi được rất nhiều những người làm truyền hình đặt ra trong bối cảnh hiện nay.
Theo ông Nguyễn Thành Lương, thay đổi là điều tất yếu bởi nếu không thay đổi, truyền hình truyền thống có thể đi vào ngõ cụt, thậm chí liên quan đến vấn đề tồn tại hay không tồn tại. Để dần thích ứng với bối cảnh hiện nay, hàng năm Đài Truyền hình Việt Nam đều có ngân sách riêng dành cho sản xuất nội dung số, đưa các nội dung truyền hình lên nhiều phương tiện truyền dẫn khác nhau, thu xem qua nhiều thiết bị đa phương tiện. Ngân sách đầu tư cho sản xuất nội dung số tăng dần hàng năm, cùng với đó là đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển nội dung số.
(Theo ICTnews)