Làng nghề đổi mới để phát triển
Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề lớn nhất trong cả nước (với 1.350 làng nghề và làng có nghề). Đặc biệt, các làng nghề Hà Nội hội tụ tới 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước.
Mỗi làng nghề Hà Nội đều mang một bản sắc riêng với sự kết tinh sáng tạo của những bàn tay người thợ và tình yêu nghề, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, được thị trường đón nhận tích cực, giúp người thợ thủ công mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Trong dòng chảy công nghệ số, các làng nghề đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ để tạo ra sự thay đổi. Tại Làng nghề truyền thống thuốc nam người Dao Ba Vì, Hà Nội, nhiều HTX đã áp dụng các thiết bị máy móc công nghệ cao vào sản xuất từ đó nâng cao sản lượng lên nhiều lần. Nếu như trước đây 1 tấn nguyên liệu cây thuốc nấu trong 30 ngày chỉ cho ra khoảng 30kg cao thuốc cô đặc, thì hiện nay, việc áp dụng dây chuyền công nghệ hiện đại, với 5 ngày đã có thể cho ra sản lượng tới 300kg cao thuốc thành phẩm.
Nâng cao năng suất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, việc áp dụng máy móc thiết bị, công nghệ vào sản xuất còn mang đến những lợi ích tích cực khác.
Từ nhu cầu lớn của người dân về các sản phẩm làng nghề truyền thống kết hợp với các hình thức bán hàng thương mại điện tử, các làng nghề tích cực đổi mới nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ người tiêu dùng.
Vừa áp dụng thiết bị máy móc vào sản xuất, vừa bắt nhịp công nghệ 4.0 vào việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, các làng nghề truyền thống đang chuyển mình mạnh mẽ, đề hội nhập, phát triển và gìn giữ làng nghề truyền thống trăm năm của địa phương mình.
Du lịch nông thôn gắn với chuyển đổi số
Tháng 08/2022, chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được phê duyệt. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương.
Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Thực tế việc triển khai chuyển đổi số đang tạo ra những thay đổi cụ thể cho du lịch làng nghề Bát Tràng cũng được biết đến là một trong những làng nghề đầu tiên trên địa bàn Hà Nội ứng dụng công nghệ số để phát triển "du lịch thông minh".
UBND xã cũng đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên số, bản đồ số về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, du lịch, dịch vụ, thương mại Bát Tràng dưới dạng phim 3D, băng âm thanh, hình ảnh, văn bản; phần mềm du lịch thông minh ứng dụng trên thiết bị thông minh; lắp đặt wifi miễn phí... Trung bình mỗi ngày, Bát Tràng đón từ 3.000 đến 5.000 lượt khách.
Với làng hương Quảng Phú Cầu huyện Ứng Hoà, Hà Nội, vẻ đẹp lao động và sắc màu làng nghề đã thu hút nhiều ống kính của các nhiếp ảnh gia, ghi lại và chia sẻ trên mạng xã hội, biến làng nghề này thành địa điểm thu hút du khách trong thời gian gần đây.
Theo mục tiêu của chương trình phát triển du lịch nông thôn, phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù.
Những sản phẩm làng nghề truyền thống vươn ra thế giới
Với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thì những sản phẩm làng nghề đang dần đến gần hơn với nhiều người. Nhưng điều khiến những sản phẩm làng nghề truyền thống đi xa hơn vẫn là nhờ vào sự nỗ lực và trí tuệ của con người. Vượt qua thách thức của thời gian và địa lý, với sự kiên trì gìn giữ tinh hoa làng nghề của những nghệ nhân lão làng cùng sự tiếp nối, sáng tạo của những thế hệ trẻ kế nghiệp cha ông đã giúp cho những sản phẩm của quê hương mình vươn ra thế giới.
Nghề làm thúng chai ở Tuy An, Phú Yên hay Làng Teng, Quảng Ngãi với truyền thống sản xuất thổ cẩm, cho đến những tấm chiếu tinh xảo được dệt ở làng chiếu Định yên, Đồng Tháp - tất cả đều có lịch sử lâu đời trăm năm. Dù ít nhiều mai một nhưng vẫn không vắng bóng những nghệ nhân lão làng vẫn ngày ngày kiên trì với nghề truyền thống cha ông để lại.
Chính nhờ sự kiên trì truyền tình yêu với sản phẩm truyền thống ấy đã giúp cho những thế hệ trẻ ở làng nghề ngày một ý thức và không ngừng sáng tạo, giữ gìn truyền thống trong những hình hài mới, bắt kịp với dòng chảy của thời gian. Nhiều làng nghề đổi mới cách thức sản xuất, đa dạng những hình thức thể hiện sản phẩm.
Hay những chiếc thúng chai thô kệch vốn chỉ dùng làm phương tiện di chuyển cũng được điểm tô thêm màu sắc để mang đến giá trị thẩm mỹ, sử dụng trong biểu diễn nghệ thuật hay những sự kiện văn hóa du lịch.
Không chỉ có những thiết kế mới bắt kịp thời đại, những bộ trang phục được làm bằng thổ cẩm H'rê đã xuất hiện trên sàn diễn thời trang tại Triển lãm thế giới - Expo diễn ra tại Dubai trước sự chứng kiến của nhiều bạn bè quốc tế.
Giữ lửa làng nghề là câu chuyện của các thế hệ để những sản phẩm làng nghề được gìn giữ và hiện hữu. Nhờ sự tiếp nối và phát huy sẽ giúp những giá trị truyền thống ngày càng vươn xa, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa của quê hương mình đến với bạn bè khắp nơi trên thế giới.