Trong kỷ nguyên số hiện nay, trước sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, nhà trường dù có nỗ lực cố gắng đến mấy cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu học tập của người học cũng như đòi hỏi ngày càng cao của đời sống xã hội. Vì vậy, bồi dưỡng, xây dựng năng lực tự học cho cán bộ, công chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên là một công việc có vị trí rất quan trọng.
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) nêu rõ: "Tập trung sức nâng cao chất lượng dạy và học, tạo ra năng lực tự học, tự sáng tạo của học sinh, sinh viên; bảo đảm mọi điều kiện và thời gian tự học cho học sinh, sinh viên, phát triển mạnh mẽ phong trào tự học, tự đào tạo thường xuyên và rộng khắp trong toàn dân".
Nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua tự học và học tập suốt đời của đoàn viên, thanh niên Khối các cơ quan Trung ương, Ban Thường vụ Đoàn Khối đã tổ chức diễn đàn "Xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số vì một Việt Nam hùng cường".
Bà Vũ Thị Hạnh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Giáo dục và Đào tạo đại diện lãnh đạo, Đảng ủy Bộ phát biểu chào mừng sự kiện
Diễn đàn là hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030". Đây cũng là chương trình sinh hoạt chính trị quan trọng nhằm nâng cao năng lực, bản lĩnh chính trị cho đoàn viên, thanh niên, để đóng góp nhiều hơn cho đất nước trong "kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình" của dân tộc Việt Nam.
Phát biểu tại chương trình, ông Bùi Hoàng Tùng - Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương - cho rằng: "Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên số đang mang lại cho chúng ta những thay đổi to lớn trong mọi lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là trong giáo dục và học tập. Thế hệ trẻ ngày nay đang đứng trước những cơ hội mới để học hỏi, để phát triển bản thân nhưng đồng thời cũng đối mặt với không ít thách thức. Trong bối cảnh đó, năng lực tự học, tự học chủ động, tự học sáng tạo trở thành một yếu tố then chốt, là nền tảng để giúp thế hệ thanh niên Việt Nam vững vàng trên con đường tiếp thu tri thức và hoàn thiện bản thân".
Ông Bùi Hoàng Tùng - Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương - phát biểu tại sự kiện
Theo Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, diễn đàn là cơ hội để cùng nhau trao đổi về những giải pháp giúp đoàn viên, thanh niên tự chủ hơn trong việc học tập, tự nâng cao tri thức để có thể đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe trong công việc. Trong một thế giới mà tri thức và công nghệ không ngừng đổi mới, người trẻ không chỉ cần kiến thức nền tảng mà còn phải nắm bắt được phương pháp tự học, tự khám phá, biết cách vận dụng công nghệ vào việc tự trau dồi và phát triển bản thân. Đó là những phẩm chất thiết yếu để mỗi cá nhân có thể trở thành một công dân toàn cầu, đồng thời đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của đất nước.
"Chúng ta nhận thức rõ rằng, để phát huy tốt nhất năng lực tự học, người trẻ cần có sự đồng hành và định hướng từ những người đi trước. Các nhà giáo chính là những người thắp lửa, không chỉ truyền đạt tri thức mà còn khơi dậy trong mỗi bạn trẻ tinh thần tự học, tự vươn lên, hun đúc niềm đam mê học hỏi và khám phá" - ông Bùi Hoàng Tùng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Điệp - Phó Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đoàn Khối các cơ quan Trung ương và ông Nguyễn Văn Tuấn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Khối, Bí thư Đoàn Bộ Giáo dục và Đào tạo - chủ trì, điều hành diễn đàn
Tại diễn đàn, các đại biểu được nghe chuyên đề của PGS. TS. Trần Thanh Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội với nội dung "Ứng dụng AI và khoa học thần kinh để tự học hiệu quả trong kỷ nguyên số".
PGS. TS. Trần Thanh Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - trình bày về việc nâng cao hiệu quả tự học trong kỷ nguyên số
Bên cạnh đó, TS. Bùi Việt Phương Anh - Viện trưởng Viện Quản trị chiến lược và nhân lực quốc tế, Tổng Giám đốc EAS Việt Nam - cũng mang tới diễn đàn chuyên đề với nội dung "Ứng dụng EAS IHHRM G23.0 trong phát triển tầm nhìn công dân toàn cầu, năng lực và sự nghiệp thanh niên Việt Nam trong kỷ nguyên số".
TS. Bùi Việt Phương Anh - Viện trưởng Viện Quản trị chiến lược và nhân lực quốc tế, Tổng Giám đốc EAS Việt Nam - chia sẻ về phát triển tầm nhìn công dân toàn cầu, năng lực và sự nghiệp thanh niên Việt Nam trong kỷ nguyên số
Diễn đàn còn có sự tham gia chia sẻ, trao đổi của các chuyên gia, giảng viên đến từ các Trường Đại học, tổ chức giáo dục lớn trên cả nước. Theo các diễn giả, sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, xã hội số, văn hóa số... đã và đang làm thay đổi đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội toàn cầu, vừa đem lại những cơ hội, vừa tạo ra những thách thức mới đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Điều này đặt ra yêu cầu về nâng cao trách nhiệm mỗi cá nhân trong giáo dục. Cùng với nguồn tài nguyên giáo dục trực tuyến khổng lồ, việc xây dựng kỹ năng tự học là một vấn đề rất cần thiết để mỗi cá nhân có thể thích ứng và phát triển, vượt qua những thách thức trong kỷ nguyên số.
Một số nội dung được chia sẻ tại diễn đàn
Các diễn giả cũng đã trao đổi, thảo luận, làm rõ những giải pháp nhằm xây dựng năng lực tự học cho các cán bộ, công chức trẻ, học sinh, sinh viên, giảng viên trẻ trong Khối cơ quan Trung ương.