Theo đó, Việt Nam có 17 cơ sở đào tạo góp mặt trong bảng xếp hạng này, tăng hai trường so với lần trước là Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Vinh.
Trường Đại học Duy Tân vẫn đứng đầu trong danh sách 17 cơ sở đào tạo của Việt Nam, ở vị trí 127. Tiếp theo là Đại học Quốc gia Hà Nội ở vị trí 161, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ở vị trí 184, Trường Đại học Tôn Đức Thắng vị trí 199.
Trong nhóm 300-500, có các trường: Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (hạng 333), Trường Đại học Huế (348), Trường Đại học Kinh tế Hồ Chí Minh (369), Đại học Bách Khoa Hà Nội (388), Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Đà Nẵng cùng trong nhóm 421-430; Trường Đại học Giao thông vận tải (481-490), Trường Đại học Văn Lang (491-500).
Các vị trí thấp hơn là Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Vinh và Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh.
Vị trí dẫn đầu trong Bảng xếp hạng giữ nguyên so với năm ngoái là Đại học Bắc Kinh. Xét trong phạm vi khu vực, Trung Quốc dẫn đầu khi có số lượng trường đại học lọt vào top 10 nhiều nhất với 4 đại học.
Singapore có 2 trường lọt vào top 10, gồm Đại học Quốc gia Singapore (xếp thứ 3) và Đại học Công nghệ Nanyang (xếp thứ 4).
Trong top 10 còn có một đại học của Hàn Quốc là Đại học Yonsei. Hàn Quốc cũng là quốc gia có 6 trường đại học nằm trong top 20 khu vực, nhiều nhất trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong kỳ xếp hạng 2025, QS đã xếp hạng cho 984 cơ sở giáo dục đại học của châu Á (trong đó có 142 cơ sở giáo dục đại học lần đầu được xếp hạng). Kết quả xếp hạng này được dựa trên phân tích phản hồi từ hơn 1,9 triệu bầu chọn từ học giả và 660.000 bầu chọn từ nhà tuyển dụng trên toàn thế giới. Cùng với đó, QS đã phân tích hơn 175,9 triệu trích dẫn (trong giai đoạn 2018-2023) từ 17,4 triệu công bố khoa học (trong giai đoạn 2018-2022).
Về tiêu chí và trọng số xếp hạng, QS AUR 2025 giữ nguyên phương pháp xếp hạng khi đánh giá các cơ sở giáo dục đại học theo 11 chỉ số: Đánh giá của học giả 30%; Đánh giá của nhà tuyển dụng 20%; Tỷ lệ giảng viên/sinh viên 10%; Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ 5%; Số bài báo khoa học/giảng viên 5%; Tỷ lệ trích dẫn/bài báo khoa học 10%; Mạng lưới nghiên cứu quốc tế 10%; Tỷ lệ giảng viên quốc tế 2,5%; Tỷ lệ sinh viên quốc tế 2,5%; Tỷ lệ sinh viên đến trao đổi 2,5% và Tỷ lệ sinh viên đi trao đổi 2,5%.
Bảng xếp hạng đại học châu Á của QS năm 2025 có 984 đại học đến từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các tiêu chí sử dụng để đánh giá bao gồm: Danh tiếng học thuật, danh tiếng nhà tuyển dụng, tỉ lệ giảng viên/sinh viên, mạng lưới nghiên cứu quốc tế; chỉ số trích dẫn trên bài báo, tính quốc tế... với tỉ lệ 5-30%, trong đó cao nhất là uy tín học thuật.
QS là một trong 3 tổ chức xếp hạng đại học nổi tiếng, bên cạnh Times Higher Education (THE) và Shanghai Academic Ranking of World Universities (ARWU).