Chỉ còn mấy ngày nữa là đến khai giảng năm học mới. Đây là năm thứ 3 triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại 6 khối lớp, trong đó yêu cầu học sinh học 2 buổi/ngày. Dù đã nỗ lực để đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh nhưng các trường lớp hiện có vẫn không đủ để đáp ứng tốt chương trình giáo dục phổ thông mới.
Quá tải trường lớp, áp lực trường công lập
Năm nay, Trường tiểu học Ngô Quyền (quận Bình Tân) có hơn 5.000 em với 106 lớp học. Con em vùng ven, công nhân là chủ yếu nên nhu cầu gửi con học bán trú rất cao. Trường cố gắng tổ chức 2 buổi/ngày nhưng cũng chỉ đáp ứng được 2.000 em học 2 buổi ăn trưa bán trú tại trường. 3.000 học sinh còn lại chỉ được học 1 buổi tại trường.
Thiếu trường cũng là câu chuyện ở nhiều quận vùng ven khác. Tại Quận 12, có phường trên 80.000 dân nhưng chỉ có 1 trường tiểu học. Dù đã tận dụng hết các phòng chức năng làm lớp học nhưng trường chỉ đáp ứng đủ chỗ học cho 4.500 học sinh. 100% lớp học chỉ học 1 buổi mỗi ngày.
Vào ngày thứ 7 nhưng vẫn có hàng ngàn học sinh có mặt ở đây với trên 4.500 học sinh nên vào các buổi sáng, khoảng hơn 2.500 học sinh sẽ có mặt, sau đó giáo viên sẽ trả học sinh để đón khoảng hơn 2.000 học sinh có mặt để học buổi chiều.
Nan giải vấn đề thu hút và giữ chân giáo viên
Không chỉ thiếu trường lớp và cơ sở vật chất, một áp lực lớn đè nặng lên các trường công lập và các cơ quan quản lý là tình trạng thiếu giáo viên. Vì vậy, việc bố trí lớp học theo chương trình giáo dục phổ thông mới đã khó khăn, lại càng thêm khó. Đặc biệt, ở một số bộ môn đặc thù hoặc năng khiếu như Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật, nhiều trường thiếu giáo viên nên không thể dạy đủ cho các lớp, có những giáo viên phải dạy kiêm nhiệm mặc dù không đúng chuyên môn.
Chị Rương ở Quận 12 có 2 con theo học lớp 2 và lớp 4 tại trường tiểu học Lê Văn Thọ. Trường có gần 100 lớp học nhưng chỉ có 1 giáo viên Tin học và 1 phòng máy tính. Vì vậy, năm nay, cả 2 con của chị đều không được học Tin học.
Phụ huynh mong muốn nhưng trường thiếu phòng học, thiếu cả giáo viên nên chỉ bố trí môn Tin học cho khối lớp 3, các khối còn lại đều phải tạm ngừng dạy.
Cùng với bộ môn Tin học, một số bộ môn học khác cũng rất khó tuyển giáo viên như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh. Một số giáo viên trường công lập nghỉ việc do áp lực công việc, chuyển ra trường tư thục.
Theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông mới, từ lớp 3, môn Ngoại ngữ và Tin học là bắt buộc. Thiếu giáo viên, nhiều quận huyện thông báo tuyển dụng với giáo viên cả nước nhưng vẫn rất khó tuyển đủ. Tình trạng thiếu giáo viên hoặc giáo viên nghỉ việc khiến cho gánh nặng lại choàng lên vai những người ở lại.
2.500 giáo viên nghỉ việc trong hơn 2 năm
Không đủ cơ sở vật chất và phòng ốc để giáo viên làm tốt công việc của mình. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và kết quả học tập của học sinh mà còn khiến cho chính giáo viên cũng rơi vào tình trạng quá tải, mệt mỏi. Vì vậy, số giáo viên nghỉ việc của TP Hồ Chí Minh đã tăng cao trong hơn 2 năm qua.
Cụ thể, trong số hơn 5.500 viên chức thôi việc sau hơn 2 năm (từ 1/1/2020 đến 30/6/2022), có khoảng 2.500 viên chức của ngành giáo dục.
Giải pháp nào để giữ chân giáo viên và giảm tải áp lực trường lớp là bài toán đặt ra cho ngành giáo dục TP. Hồ Chí Minh hiện nay.
Giải pháp giữ chân giáo viên, mở rộng trường lớp
Là giáo viên tâm huyết với nghề, cô Hiền - nguyên hiệu trưởng Trường Tiểu học Thân Nhân Trung tại quận Tân Bình, cho biết, ngoài nỗi buồn về thu nhập của giáo viên quá thấp, cô cho rằng cần khắc phục ngay những bất cập trong công tác quản lý, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các trường, để các giáo viên có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ và cảm thấy được hạnh phúc với nghề đã chọn.
Theo các phòng giáo dục, chủ trương xã hội hóa giáo dục đã được thành phố đặc biệt khuyến khích việc mời gọi thu hút các đơn vị ngoài công lập tham gia để tăng thêm quy mô trường lớp. Tuy nhiên, do thủ tục chậm nên nhiều xã phường không có đơn vị ngoài công lập đầu tư xây dựng trường lớp mới.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, năm học này, thành phố đã xây dựng thêm 575 phòng học mới tại hơn 35 dự án. Từ nay đến tháng 12/2022, thành phố tiếp tục đưa vào khai thác sử dụng thêm nâng tổng số hơn 800 phòng học, con số này thấp hơn những năm trước do thời gian ảnh hưởng dịch COVID-19, các dự án chậm triển khai. Sở đã có tham mưu thành phố đầu tư kinh phí xây dựng trường lớp mới nhanh hơn.
Mô hình "bán trú vệ tinh" chia sẻ gánh nặng trường công
Trong khi ngành giáo dục đang tính các giải pháp để giảm tải áp lực trường lớp thì ở nhiều quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh, để giải quyết khó khăn trước mắt đã có nhiều giải pháp mang tính tình thế. Đó là khuyến khích phát triển các lớp học bán trú vệ tinh để chia sẻ áp lực cho trường công. Sau 1 buổi học tại trường, phụ huynh có thể gửi con tại các lớp học này.
Trường tiểu học Nguyễn Trãi Quận 12 có trên 3.000 học sinh nhưng 100% các em ở đây chỉ được học 1 buổi/ngày. Vì vậy, đối diện bên kia cổng trường có nhiều trung tâm bán trú mọc lên, học sinh sau khi kết thúc lớp học ở đây sẽ được đưa về trung tâm bán trú đối diện cổng trường.
Các quận 12, Gò Vấp, Tân Phú là những địa bàn vùng ven đông dân cư, thiếu trường lớp nên từ nhiều năm nay đã tổ chức mô hình bán trú vệ tinh. Các quận chủ trương xã hội hóa, tạo điều kiện các trường ngoài công lập phát triển và các trung tâm bán trú vệ tinh hoạt động chia sẻ gánh nặng với trường công để phụ huynh có nơi gửi con đi làm.
Trước thềm năm học mới, thách thức trường lớp không chỉ là gánh nặng với nhà trường mà còn áp lực với cả phụ huynh, khi cứ đầu năm học lại đôn đáo tìm nơi gửi con học bán trú.
Mong muốn lớn nhất của cả phụ huynh và nhà trường là thành phố sớm xây dựng thêm trường mới để học sinh đảm bảo chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh được học 2 buổi/ngày.
Chỉ còn 2 năm nữa, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được thực hiện ở tất cả 12 khối lớp. Đây cũng là một áp lực để TP Hồ Chí Minh sớm giải quyết tình trạng thiếu trường lớp và giáo viên để học sinh có thể thụ hưởng trọn vẹn những giá trị tốt nhất mà mục tiêu của chương trình hướng tới.
Năm học mới đã đến, trong giai đoạn chuyển giao chương trình cũ và mới, hi vọng giáo viên, nhà trường, phụ huynh cùng nỗ lực chia sẻ khó khăn để mang lại những gì tốt nhất cho học sinh.