Tại 9 tỉnh: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, dự kiến sẽ lùi thời gian ngừng phát sóng analog đối với các trạm phát lại từ ngày 30/9/2019 tới ngày 30/11/2019. Lý do là để triển khai dự án hỗ trợ đầu thu truyền hình vệ tinh cho các hộ nghèo, cận nghèo tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Theo kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo tại Thông báo số 775/TB-CTS ngày 6/3/2019, liên quan đến thời điểm tắt sóng tại những địa phương đang thu sóng truyền hình analog qua các trạm phát lại 9 tỉnh thuộc nhóm II như sau: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa sẽ ngừng phát sóng analog đối với các trạm phát lại tại từ 24 giờ ngày 30/9/2019.
Tuy nhiên, tại cuộc họp Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt nam đã họp để triển khai công tác chuẩn bị ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (truyền hình analog) tại các tỉnh nhóm II, nhóm III và kế hoạch triển khai Đề án số hóa truyền hình Việt Nam tại các tỉnh nhóm IV mới đây, đại diện Ban Quản lý chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đã đề nghị cho lùi thời hạn tắt sóng analog tại 9 tỉnh thuộc nhóm II nói trên tới ngày 30/11/2019. Lý do lùi thời hạn tắt sóng analog là để có đủ thời gian để triển khai hỗ trợ đầu thu truyền hình vệ tinh cho các hộ nghèo, cận nghèo thuộc 9 tỉnh này.
Tại 9 tỉnh thuộc nhóm II nói trên đã tắt sóng truyền hình analog tại các trạm phát sóng chính, còn tại các địa bàn thu sóng từ các trạm phát lại sẽ không triển khai lắp đặt các trạm phát lại truyền hình số mặt đất DVB-T2 mà sẽ thực hiện số hóa truyền hình qua vệ tinh. Hiện nay, một việc quan trọng trước khi tắt sóng analog tại các trạm phát lại là phải triển khai hỗ trợ xong đầu thu truyền hình vệ tinh cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ đầu thu để thu xem truyền hình.
“Do thủ tục liên quan đến gói thầu mua sắm đầu thu truyền hình vệ tinh cần thêm thời gian, cộng với việc triển khai lắp đặt đầu thu vệ tinh sẽ mất nhiều thời gian hơn lắp đặt đầu thu truyền hình số DVB-T2, do đó cần phải lùi thời gian tắt sóng analog để triển khai hỗ trợ đầu thu vệ tinh cho người dân. Dự kiến khoảng cuối tháng 9 mới tiến hành xong thủ tục mua sắm đầu thu, việc triển khai lắp đặt cần thời gian từ 20 ngày đến 1 tháng mới hoàn thành", đại diện Ban quản lý chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cho hay.
Đối với 12 tỉnh Nhóm III cũng cần thực hiện hỗ trợ đầu thu vệ tinh, gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Ninh Thuận. Các tỉnh này sẽ ngừng phát sóng analog đối với các trạm phát lại từ ngày 31/12/2019, vẫn tắt sóng truyền hình analog đúng thời hạn, do gói thầu hỗ trợ đầu thu truyền hình vệ tinh sẽ được triển khai song song với gói thầu của 9 tỉnh thuộc nhóm II, nên tiến độ thời gian được đảm bảo.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho biết sẽ báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo về đề nghị xin lùi thời hạn tắt sóng analog của Ban Quản lý chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích. Thứ trưởng yêu cầu Cục Tần số Vô tuyến điện chủ trì, các đơn vị truyền dẫn phát sóng, Ban Ban Quản lý chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích và các nhà thầu phải khắc phục các khó khăn để hoàn thành triển khai hỗ trợ đầu thu cho người dân đúng theo tiến độ của Đề án.
(Theo ICTnews)