Ảnh minh họa. Ảnh: Chinhphu.vn
3 tháng đầu mùa bão năm nay, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông được đánh giá là ít hơn so với trung bình, chỉ khoảng 4 cơn trong khi trung bình nhiều năm thời điểm này có đến 5 cơn. Tuy ít nhưng cường độ bão lại không hề yếu, có đến 2 cơn bão mạnh trên cấp 10 khi hoạt động trên biển, trong đó có cơn bão số 3 vừa qua.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia: "Đây là một cơn bão hình thành trên vùng biển phía Đông của Philippines. Vượt qua đảo Luzon và vào Biển Đông cuối tháng 8, khá phù hợp với quy luật. Cường độ cực đại của bão số 3 đạt cấp 11, giật cấp 14 và có hướng di chuyển tương đối ổn định theo hướng Tây Tây Bắc. Tốc độ di chuyển của bão số 3 tương đối nhanh, 25-30km/h. Bão số 3 đổ bộ vào Quảng Đông, Trung Quốc sau đó suy yếu thành cấp 8, trước khi tiếp cận đến vùng đất liền Việt Nam".
Bão số 3 gây thiệt hại nhiều nơi
Dù yếu nhanh khi đến Việt Nam nhưng với hoàn lưu mây ẩm rộng lớn, nhiều tỉnh thành miền Bắc hứng mưa như trút nước. Lượng mưa khoảng một ngày, từ chiều thứ Năm đến sáng thứ Sáu, phổ biến 100 - 200mm. Đặc biệt Quảng Ninh, lượng mưa có 3 điểm lên đến hơn 400mm. Hệ quả, nước lũ cuồn cuộn đổ về gây ngập lụt sâu nhiều tuyến đường, khu dân cư, có nơi ngập hơn 1m, giao thông tê liệt. Nhiều hộ dân phải di dời do sạt lở đất khiến nhà cửa hư hại.
Cùng với Quảng Ninh, nhiều nơi khác là Bắc Giang, Hà Nội, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hải Dương, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc cũng ghi nhận ngập úng, sạt lở đất.
Thống kê nhanh, bão số 3 khiến 48 căn nhà sập và hư hỏng. Hơn 7.000 hecta lúa, hoa màu, thủy sản ngập úng, thiệt hại. Hàng ngàn con gia súc, gia cầm bị chết. Hơn 100 điểm giao thông bị ngập, sạt lở cục bộ. Đáng tiếc nhất, 2 người tại Điện Biên và Bắc Kạn bị thiệt mạng do lũ cuốn.
Không chỉ gây mưa lũ cho Việt Nam, cơn bão mạnh đầu mùa này cũng đã gây thiệt hại cho Trung Quốc và Philippines khi quét qua.
Phía Bắc của Philippines, nơi mà cơn bão này đổ bộ vào hôm thứ Ba với sức gió lên tới 110km/h. Ít nhất 3 người đã thiệt mạng do cây đổ và nước cuốn; 4 người khác bị thương. Cơn bão cũng mang đến mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất trước khi rời khỏi quốc đảo này vào tối cùng ngày và đi vào Biển Đông.
Còn tại Quảng Đông của Trung Quốc, do ảnh hưởng của bão số 3 (tên quốc tế là Ma-on), một số thành phố đã phải đình chỉ dịch vụ phà và đường sắt cao tốc. Sân bay ở Thâm Quyến, một trung tâm công nghệ của Trung Quốc giáp với Hong Kong, đã hủy tất cả các chuyến bay từ 3 giờ sáng đến 2 giờ chiều ngày thứ Năm.
Mùa bão và thiên tai dồn dập vào cuối năm
Từ tháng 9 đến cuối năm, bão có thể dồn dập hơn và số lượng cũng nhiều hơn mọi năm.
Mưa bão dồn dập hơn là bởi La Nina vẫn còn duy trì đến hết năm nay và thậm chí là sang đầu năm sau. Trong những năm La Nina rất dễ xảy ra các hiện tượng mưa lớn cực đoan và có thể xuất hiện các cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp.
Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia - cho biết: "Mùa bão ở Biển Đông sẽ tập trung vào cuối mùa, nhiều hơn so với trung bình. Cụ thể chúng tôi dự báo sẽ có 7-9 cơn bão trên Biển Đông. Trong đó có 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.
Miền Bắc vẫn còn chịu ảnh hưởng của bão trong tháng 9 trước khi mùa bão dịch xuống các tỉnh Trung Bộ trong tháng 10, tháng 11.
Ngoài ra không khí lạnh dự báo sẽ đến sớm nên trong tháng 10, tháng 11, nửa đầu tháng 12, có sự ảnh hưởng kết hợp bão sẽ gây ra mưa rất to ở Trung Bộ".
Tổng lượng mưa chung toàn khu vực đều cao hơn mọi năm, ước tính có thể cao hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 50%. Mỗi khu vực, thời gian mưa và cường độ mưa khác nhau. Quảng Bình tới Quảng Ngãi mưa cao điểm vào tháng 10 với lượng khoảng 700 - 1.000mm, có nơi cao hơn.
Sang tháng 11, trọng tâm mưa dịch xuống Quảng Trị tới Khánh Hòa với lượng mưa 500 - 800mm, có nơi trên 800mm.
Mùa mưa cao điểm cũng là thời gian lũ các sông dâng cao. Dự báo các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận khả năng sẽ xuất hiện 2 - 3 đợt lũ lớn. Đỉnh lũ từ báo động 2 đến báo động 3, có sông trên báo động 3.
Hệ quả là các hiện tượng thiên tai như ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất có thể gia tăng hơn vào những tháng cuối năm.
Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia - cũng cho hay: "Trong các tình huống mưa bão, người dân cần hết sức lưu ý, tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của các cấp chính quyền địa phương về việc phòng chống thiên tai như chằng chống nhà cửa, không di chuyển qua ngầm tràn, các công trình xây dựng, các địa điểm có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất để có các biện pháp ứng phó kịp thời".
Mưa bão dồn dập vào những tháng cuối năm, miền Trung sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Ngay từ bây giờ, nhiều địa phương đã chủ động chuẩn bị nhiều biện pháp sẵn sàng ứng phó với thiên tai.
Quảng Bình chủ động ứng phó trước cao điểm mưa bão
Theo ghi nhận của phóng viên, xã An Thủy thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trận lũ lịch sử năm 2020 đã khiến gần 3000 hộ dân nơi đây ngập chìm trong nước, nơi sâu nhất là đến 9m, đến bây giờ tới lại An Thủy, nhiều nhà tránh lũ, nhiều công trình tránh lũ đã được người dân cũng như chính quyền địa phương nơi đây triển khai thực hiện để ứng phó với mùa mưa bão tới.
Trận lũ năm 2020, nhà của anh Nguyễn Văn Tư (xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) bị ngập hơn 3m. Rút kinh nghiệm từ trận lũ lịch sử đó, ngoài việc xây gác hai tránh lũ, gia đình anh còn tranh thủ di chuyển tài sản lên chỗ cao ngay từ bây giờ.
Cùng với Lệ Thủy, nhiều nơi khác tại tỉnh Quảng Bình như Quảng Ninh, Bố Trạch, thị xã Ba Đồn, bà con nhân dân đang chủ động hơn trước mùa mưa bão. Hơn 90% hộ dân đã chuẩn bị sẵn nơi tránh trú cho gia đình, 40% hộ dân đã xây thêm gác hai nhằm cất giữ tài sản giá trị, chuẩn bị sẵn lương thực, thực phẩm đề phòng bị chia cắt dài ngày.
Thời gian tới, ngoài 5 ngôi nhà văn hóa cộng đồng kết hợp nhà tránh lũ đang có, tỉnh Quảng Bình sẽ có kế hoạch xây dựng thêm 7 nhà tại các vùng trọng điểm mưa lũ. Bên cạnh đó, địa phương này cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn bà con chủ động các phương án ứng phó.