Ủy ban Olympic Việt Nam đã từ chối cấp thẻ phóng viên tác nghiệp cho các đài truyền hình Việt Nam, sau khi nhận được thông báo từ Ban tổ chức nước chủ nhà Indonesia về vấn đề bản quyền. Chỉ có các thẻ tác nghiệp cấp cho phóng viên ảnh, phóng viên báo viết tại sự kiện ASIAD.
Chỉ còn 4 ngày nữa môn bóng đá nam sẽ bắt đầu khởi tranh tại kỳ Asian Games 2018 (ASIAD 2018), vấn đề bản quyền ASIAD vẫn không có tín hiệu sáng sủa nào với người hâm mộ Việt Nam. Khó có khả năng VTV mua được bản quyền trong phút chót như từng mua bản quyền World Cup 2018 hồi tháng 6.
Trong thông báo ra ngày 30/7, VTV cho biết, VTV lên kế hoạch cử đội ngũ phóng viên, biên tập viên gồm 9 người đến Indonesia từ ngày 11/8 để tác nghiệp. Đây là số lượng phóng viên đông nhất từ trước đến nay của VTV cử đi tác nghiệp tại Á vận hội.
Tuy nhiên, nguồn tin mới nhất từ Tổng cục Thể dục Thể thao, Ủy ban Olympic Việt Nam đã từ chối cấp thẻ phóng viên tác nghiệp cho các đài truyền hình Việt Nam, sau khi nhận được thông báo từ Ban tổ chức nước chủ nhà Indonesia về vấn đề bản quyền. Chỉ có các thẻ tác nghiệp cấp cho phóng viên ảnh, phóng viên báo viết ở sự kiện ASIAD.
Với việc BTC Asiad đưa ra “lệnh cấm” với các phóng viên truyền hình, VTV khả năng sẽ phải thay đổi lại kế hoạch của mình. Phương án mới được bàn đến là các đài truyền hình đăng ký suất tham dự cùng đoàn thể thao Việt Nam theo diện “cán bộ đoàn”, nhưng cũng rất khó khăn.
Nguồn tin từ Tổng cục Thể dục Thể thao cho hay, vấn đề bản quyền truyền hình năm nay Ban tổ chức làm rất chặt. Khi mà Việt Nam không mua được bản quyền truyền hình thì các đài phải làm đúng với quy định. Việc không được phát trực tiếp các trận đấu của U23 Việt Nam cũng như các môn thi đấu khác là điều rất đáng tiếc. Nhưng người hâm mộ quê nhà vẫn có thể theo dõi qua các kênh khác như báo giấy, báo điện tử…
Trên trang web chính thức của Tổng cục Thể dục Thể thao, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn cho hay, khó khăn lớn nhất hiện nay đó chính là việc Việt Nam chưa có bản quyền truyền hình Asian Games 18, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình tác nghiệp của cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông trong nước. Cùng với đó là ảnh hưởng tới việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu của các nhà tài trợ cho đoàn Thể thao Việt Nam.
Hiện nay một số trang báo điện tử hàng đầu của Việt Nam đã công bố lịch tường thuật trực tiếp các trận đấu bóng đá nam của đội tuyển Olympic Việt Nam trên mạng Internet.
Trên các diễn đàn về công nghệ, nhiều người đã chia sẻ cách xem các môn thi đấu của ASIAD qua mạng Internet, qua các App OTT của nước ngoài, cũng như hướng dẫn cách xem “chùa” từ vệ tinh nước ngoài.
Kỳ World Cup 2018, dù Việt Nam có bản quyền truyền hình, rất nhiều kênh sóng phát quảng bá các trận đấu cho người dân thu xem, nhưng tình trạng xem lậu, xem chùa vẫn tràn lan trên Internet, cũng như tình trạng thu lậu sóng vệ tinh vẫn diễn ra từ đầu đến cuối giải đấu. Do đó, khi Việt Nam không có bản quyền ASIAD thì tình trạng xem lậu, xem chùa tín hiệu từ các nước lân cận là điều chắc chắn diễn ra. Tuy nhiên, xem qua cách này tín hiệu vừa không ổn định, vừa không có phần bình luận tiếng Việt, hơn nữa không phải ai cũng có đủ điều kiện để xem qua các thiết bị như máy tính, điện thoại hay truyền hình vệ tinh.
(Theo ICTnews)