Trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19, nhất là việc biến chủng mới BA.5 đã xâm nhập vào Việt Nam làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại, Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4. Ảnh minh họa: TTXVN.
Bộ Y tế cho biết, số ca mắc COVID-19 chững lại ở khoảng 600 - 800 ca mắc trong ngày. Số trường hợp nặng, tử vong tiếp tục giảm; biến thể phụ BA.5 khiến nhiều nước tăng số ca COVID-19, lo ngại làn sóng dịch mới; Việt Nam theo dõi, giám sát chặt, thúc đẩy tiêm vaccine...
Có 24 ngày trong tháng 6/2022, cả nước không ghi nhận ca tử vong do COVID-19
Bộ Y tế cho biết, ngày 2/7 có 730 ca COVID-19, giảm gần 200 ca so với ngày trước đó. Trong ngày, số khỏi bệnh gấp gần 14 lần số mắc mới; tiếp tục không có F0 tử vong.
Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 9.699.357 ca, trong số các bệnh nhân đang theo dõi, giám sát và điều trị, số bệnh nhân đang thở ô xy là 30 ca, gồm: thở ô xy qua mặt nạ: 22 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 5 ca; thở máy không xâm lấn: 0 ca; thở máy xâm lấn: 3 ca. ECMO: 0 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.748.127 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.482 ca nhiễm).
Theo Bộ Y tế, trong tháng 6 vừa qua, số mắc chững lại ở khoảng 600 - 800 ca mắc trong ngày. Số trường hợp nặng, tử vong tiếp tục giảm. Trong 30 ngày qua, tỷ lệ chết/mắc là 0,02%, trong đó số mắc giảm 4,5 lần và số tử vong giảm 10 lần so với tháng trước đó, có 24 ngày cả nước không ghi nhận ca tử vong.
Biến thể phụ BA.5 khiến nhiều nước tăng số ca COVID-19, lo ngại làn sóng dịch mới
Tổng số ca mắc trên thế giới hơn 553,8 triệu ca, trên 6,36 triệu ca tử vong.
Tại châu Âu, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã trở thành biến thể chủ đạo gây ra khoảng 50% số ca mắc mới COVID-19 ở Đức.
Biến thể phụ BA.5, BA.4 cũng đang lây lan tại Anh, nơi các mô hình dự báo tình hình dịch bệnh cho thấy số ca mắc mới tăng khoảng 80% trong 3 tuần gần nhất.
Ngày 1/7, Pháp ghi nhận trên 125.000 ca nhiễm mới, nâng số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày qua lên 99.316 ca/ngày - mức cao nhất kể từ ngày 19/4.
Tại Italy, ngày 1/7, nước này đã có trên 86.000 ca mắc mới - mức tăng theo ngày cao nhất kể từ tháng 4, số ca tử vong trong ngày này là 72 ca - cao nhất trong hai tuần qua. Số ca mắc ở châu Âu đã tăng gấp 3 lần trong tháng qua, khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo tình hình lây nhiễm COVID-19 tại châu Âu sẽ ở "mức cao" trong mùa Hè này.
Tại châu Á, Campuchia ghi nhận các ca mắc mới sau 51 ngày liên tục không có ca nào, trong khi Singapore không loại trừ khả năng phải thắt chặt trở lại các biện pháp giãn cách do số ca nhiễm biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron gia tăng.
Tại Nhật Bản, các chuyên gia quan ngại về xu hướng tiếp xúc đông người tăng lên trong kỳ nghỉ Hè sẽ thúc đẩy làn sóng dịch mới. Israel ngày 27/6 thông báo ghi nhận 11.483 ca mắc mới, cao nhất kể từ ngày 30/3.
Theo dõi chặt biến thể BA.5; ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu, không để xâm nhập vào nước ta các dịch bệnh mới nổi
Tại Việt Nam, trong dự thảo báo cáo công tác phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế cho biết, trên thế giới, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia và có khả năng tiếp tục xâm nhập vào Việt Nam. Như vậy, số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới do sự xuất hiện của biến thể phụ BA.5.
Bộ Y tế cũng cho hay, tốc độ gia tăng số mắc hàng ngày của COVID-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm (virus SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi, không ổn định); khả năng bảo vệ miễn dịch (mắc phải hoặc do tiêm vaccine) giảm theo thời gian và độ bao phủ vaccine; khối cảm nhiễm; khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng, chống của Việt Nam, do đó khó dự báo được mức độ tăng cụ thể trong thời gian tới.
Tuy nhiên, số liệu báo cáo từ các nước châu Âu, Nam Phi khi biến thể phụ BA.5 xuất hiện thì mức độ lây lan nhanh với tốc độ tăng số mắc hàng ngày của biến thể phụ BA.5 khoảng 12-13% so với biến thể BA.2 và sẽ từng bước thay thế biến thể phụ BA.2.
Do vậy, hệ thống giám sát, đáp ứng phòng chống dịch từ trung ương đến địa phương cần:
- Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới của COVID-19; chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh, ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu, không để xâm nhập vào nước ta.
- Tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19, đặc biệt bảo đảm tiến độ tiêm đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên.
- Tiếp tục đảm bảo năng lực thu dung, điều trị; chủ động, sẵn sàng các các biện pháp phòng, chống dịch theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn nhằm phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong; tăng cường năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở...
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 4114 ngày 2/7 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19, nhất là việc xuất hiện biến chủng mới BA.5 của virus SARS-CoV-2 và đã xâm nhập vào Việt Nam làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại. Để tăng cường kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo trước đó của Chính phủ, Thủ tướng về công tác phòng, chống dịch và tiêm vaccine...