Năm học 2024 - 2025, lần đầu tiên các trường học tại TP Hồ Chí Minh triển khai tập huấn, tổ chức khám sức khỏe và tầm soát bệnh tật học đường với việc sử dụng các biểu mẫu chuẩn do sở Y tế phối hợp với sở GD&ĐT xây dựng.
Đây là dấu mốc quan trọng để thành phố triển khai chuyển đổi số dữ liệu sức khỏe học sinh kể từ năm học 2024 - 2025 và tầm nhìn đến 2030. Qua đó, thành phố sẽ có dữ liệu sức khỏe của hơn 1,7 triệu học sinh.
Các biểu mẫu khám được sở Y tế và sở GD&ĐT nghiên cứu thiết kế để bao quát đầy đủ các khía cạnh, từ thể chất đến tinh thần, bao gồm chỉ số về chiều cao, cân nặng, thị lực, thính lực, cũng như đánh giá về tình trạng răng miệng, dinh dưỡng và sức khỏe tâm thần.
Cùng đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức các lớp tập huấn về công tác khám sức khỏe học sinh và cách sử dụng phần mềm trực tuyến để quản lý, công khai nhân sự và cơ sở y tế đủ điều kiện khám sức khỏe học sinh để các trường chọn lựa.
Quản lý sức khỏe học sinh là một trong 5 nội dung chủ yếu của chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 và cũng là một trong những nội dung chính của công tác y tế trường học được quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT.
Thời gian qua, các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông trên cả nước đã tổ chức kiểm tra sức khỏe học sinh vào đầu mỗi năm học theo quy định. Việc kiểm tra giúp phát hiện sớm các bệnh tật học đường, kịp thời chuyển trẻ đến cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định và áp dụng chế độ học tập, rèn luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Tuy vậy, thực tế hoạt động kiểm tra cũng như quản lý sức khỏe học sinh hiện còn một số hạn chế. Tại các cơ sở khám, chữa bệnh, nhân sự thực hiện công việc này chưa đáp ứng đầy đủ. Quy trình và điều kiện của cơ sở kiểm tra sức khỏe học sinh thiếu sự thống nhất.
Đáng chú ý, nhiều nơi kết quả kiểm tra được ghi trên phiếu giấy, gây khó khăn trong việc tổng hợp, báo cáo và quản lý. Những trường học đã áp dụng phần mềm quản lý, trong đó có dữ liệu sức khỏe học sinh, kết nối với cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, nhưng dữ liệu này chưa đồng bộ với ngành Y tế, nên giá trị tham khảo trong phát hiện, điều trị bệnh, tật chưa cao.
Số hóa công tác quản lý sức khỏe học sinh không chỉ giúp chuẩn hóa hoạt động kiểm tra sức khỏe, phát hiện sớm các bệnh tật học đường để kịp thời điều trị theo chuyên khoa, mà còn giúp ngành Y tế nhận diện được mô hình bệnh, tật học đường của học sinh trên địa bàn, nhằm chủ động có giải pháp chăm sóc và can thiệp điều trị kịp thời.
Dữ liệu số hóa cũng giúp tạo ra một bức tranh toàn diện về sức khỏe mỗi học sinh, bao gồm cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Điều này cho phép các nhà chuyên môn đưa ra kế hoạch chăm sóc sức khỏe theo hướng cá nhân hóa, đảm bảo mỗi học sinh đều nhận được sự chăm sóc phù hợp nhất.
Lợi ích trong việc số hóa quản lý sức khỏe học sinh là rất lớn, tuy vậy hiện vẫn hiếm địa phương thực hiện đồng bộ. Nguyên nhân do hoạt động này cần sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng về nhân lực, vật lực, tài chính, thời gian, mang tính liên ngành...
Như tại TP Hồ Chí Minh, để chuẩn bị cho việc chuyển đổi số dữ liệu sức khỏe học sinh, sở Y tế đã làm việc với Sở GD&ĐT hơn 1 năm trước nhằm chuẩn hóa các biểu mẫu khám, xây dựng chương trình tập huấn, phần mềm nhập liệu thông tin, đầu tư công nghệ để đảm bảo tính bảo mật và riêng tư của dữ liệu...
Tính đến ngày 06/10/2024, đã có 2.966 nhân viên y tế từ 28 bệnh viện, 19 trung tâm y tế, 59 phòng khám đa khoa và hơn 500 cơ sở giáo dục trên địa bàn TP đăng ký tham gia tập huấn.
Sở Y tế sẽ công khai danh sách các cơ sở đủ điều kiện khám sức khỏe học sinh trên cổng thông tin điện tử của ngành y tế để các cơ sở giáo dục thuận tiện trong việc lựa chọn.
Là mô hình cần thiết trong bối cảnh giáo dục hiện đại, số hóa dữ liệu sức khỏe học sinh như cách TP Hồ Chí Minh đang làm, cần được nhân rộng. Để mô hình phát huy hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Giáo dục, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, đặc biệt ngành Y tế, trên định hướng chuyển đổi số quốc gia.