Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thực hiện đề tài "Xây dựng và thí điểm mô hình giáo dục thông minh đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông ở thành phố Hà Nội", Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã lựa chọn 5 trường để thí điểm, gồm: Mầm non B (quận Hoàn Kiếm), Tiểu học Lê Văn Tám (quận Hai Bà Trưng), Trung học cơ sở Chu Văn An (quận Long Biên), Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa) và Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng).
Giáo dục thông minh là mô hình sử dụng công nghệ thông tin để thay đổi giáo dục với việc mở rộng thời gian, không gian, tài liệu học tập và phương pháp học tập.
Trong quá trình triển khai, nhóm chuyên gia đã nghiên cứu nền tảng giáo dục thông minh trên thế giới, những lý thuyết, bài học kinh nghiệm, sau đó đưa ra mô hình và áp dụng cụ thể vào từng trường, từng cấp học khác nhau, bao gồm trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, các thiết bị tương tác, máy tính bảng, màn hình tương tác, thiết bị thực tế ảo, sản xuất các nội dung 3D thực tế ảo.
Hạt nhân của trường học thông minh là lớp học thông minh. Trong lớp học thông minh được trang bị hạ tầng cao cấp, mạng tốc độ cao cho phép hơn 50 máy tính bảng cùng kết nối, màn hình tương tác thế hệ mới cho phép giáo viên viết vẽ, kết nối với các máy tính bảng trong hệ sinh thái thống nhất. Kết quả làm bài của học sinh được gửi ngay cho giáo viên, giúp tăng tính tương tác.
Điểm đặc biệt nhất là phần trí tuệ nhân tạo được tích hợp giúp tự động đo cảm xúc trung bình của lớp học, đo cảm xúc của từng học sinh, giúp cô giáo biết được từng học sinh đang trong tình trạng nào, tập trung học hay không, từ đó điều chỉnh phương pháp truyền đạt để học sinh lúc nào cũng cảm thấy hứng thú với bài học.