Thiết bị kích sóng trái phép bị cơ quan quản lý tần số thu giữ.
Năm 2017 tình trạng sử dụng các thiết bị vô tuyến trái phép, hoặc không đạt tiêu chuẩn gây nhiễu tiếp tục diễn ra, Cục Tần số Vô tuyến điện đã xử lý 174 vụ nhiễu thông tin di động, 26 vụ nhiễu mạng dùng riêng, 10 vụ can nhiễu hàng không.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Cục Tần số Vô tuyến điện vào chiều ngày 19/12/2017, ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết trong năm 2017 tình trạng sử dụng các thiết bị vô tuyến trái phép, hoặc không đạt tiêu chuẩn gây nhiễu có hại tiếp tục diễn ra. Cục Tần số Vô tuyến điện đã xử lý 174 vụ nhiễu thông tin di động, 26 vụ nhiễu mạng dùng riêng, 10 vụ can nhiễu hàng không, hiện nay vẫn đang tiếp tục giải quyết 8 kháng nghị can nhiễu các mạng thông tin vô tuyến điện trong đó có tới 6 vụ can nhiễu mạng di động.
Trong đó có một số vụ can nhiễu điển hình như xử lý nhiễu có hại cho các mạng di động do việc sử dụng trạm lặp kích sóng trái phép, điện thoại không dây kéo dài chuẩn DECT 6.0 không đúng quy hoạch gây nhiễu. Trong năm 2017, các Trung tâm Tần số Vô tuyến điện khu vực đã xử lý 156 cá nhân tổ chức trạm lặp gây nhiễu các trạm di động ở Hà Nội và TP.HCM. So với năm 2016 số lượng thiết bị trạm lặp trái phép bị phát hiện và xử lý tăng 87 trường hợp. Cục Tần số Vô tuyến điện cũng phát hiện và xử lý 570 thiết bị DECT 6.0 gây nhiễu trên 10 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa.
Theo ông Tuấn, việc sử dụng trạm kích sóng di động tiếp tục là nguy cơ tiềm tàng gây nhiễu cho các mạng di động trong thời gian tới. Ngoài ra thì việc gia tăng sử dụng các thiết bị công nghệ mới như: Mic không dây, bộ đàm, thiết bị bay flycam cũng có nguy cơ gây can nhiễu tần số.
Theo đại diện Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 4 (quản lý tần số tại 10 tỉnh Nam Bộ) trong năm 2017, Trung tâm 4 đã xử lý hơn 100 vụ can nhiễu trong địa bàn quản lý, trong đó điển hình nhất là có hai vụ can nhiễu rada sân bay Cà Mau và gây nhiễu mạng di động VinaPhone ở Cà Mau, do ở Cà Mau hầu hết cán bộ công chức sử dụng mạng VinaPhone nên khi can nhiễu cả một ngày mạng VinaPhone ở khu vực này tê liệt ảnh hưởng khá lớn tới người dùng, thậm chí có nhiều thuê bao đòi cắt dịch vụ do cả ngày không liên lạc được. Nhưng sau đó Trung tâm 4 đã phối hợp với Sở TT&TT Cà Mau xử lý được.
Còn đại diện Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 1 cho hay, vi phạm về quản lý tần số khi sử dụng bộ đàm của các nhà hàng, khách sạn, nhiễu do sử dụng thiết bị kích sóng trái phép khá phổ biến. Trong năm 2017, Trung tâm 1 đã phát hiện 112 vi phạm, trong đó có 5% vi phạm do sử dụng bộ đàm công suất nhỏ. Trung tâm 1 cũng tiếp nhận 114 thông báo về can nhiễu trong đó có 3 vụ can nhiễu điều hành bay, 8 vụ can nhiễu mạng dùng riêng, 103 can nhiễu mạng di động. Trung tâm cũng phát hiện xử lý 147 nguồn can nhiễu từ việc dùng điện thoại kéo dài DECT 6.0.
Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, theo quy định thì chỉ có nhà mạng mới được phép dùng thiết bị kích sóng, nhưng thị trường bán tràn lan và nhiễu người dân tự ý sử dụng, tình trạng can nhiễu từ thiết bị kích sóng tăng lên rất nhiều trong mấy năm gần đây và sẽ tiếp tục gia tăng các vi phạm, trong thời gian tới khi người ta dùng thiết bị kích sóng cả mạng 3G-4G thì việc xử lý khó hơn nhiều. Việc xử lý can nhiễu còn gặp một khó khăn nữa là hiện nay Chính phủ đã quy định bỏ giấy phép nhập khẩu đối với thiết bị vô tuyến công suất nhỏ. Trước đây việc quản lý thiết bị vô tuyến có “barie” ở cửa khẩu là giấy phép nhập khẩu thì nay đã bãi bỏ, chỉ còn có quy định yêu cầu phải thực hiện hợp quy hợp chuẩn nhưng hàng rào này quản lý không mạnh bằng giấy phép nhập khẩu. Do đó ông Hoan cho rằng, nhà nước và các nhà mạng sẽ tiếp tục phải đối mặt với can nhiễu do thiết bị kích sóng.
Liên quan đến việc xử lý can nhiễu, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đánh giá rất cao vai trò và kết quả đạt được của Cục Tần số Vô tuyến điện trong năm qua. Với những khó khăn trong công tác quản lý thiết bị vô tuyến, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho rằng, quan điểm của Chính phủ là quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, lĩnh vực xuất nhập khẩu bỏ nhiều giấy phép và khi nhập khẩu vào thị trường thì doanh nghiệp phải làm thủ tục hợp chuẩn hợp quy. Việc quản lý hậu kiểm có nguy cơ làm phức tạp thị trường vô truyến, phức tạp hơn cho công tác xử lý can nhiễu. Do đó, cơ quan quản lý tần số phải tăng cường công tác hậu kiểm, chỉ có một cách phải xử nghiêm các vi phạm thì mới có thể giải quyết được một phần khó khăn của bài toán hậu kiểm, duy trì tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo phát triển bền vững thị trường viễn thông.
(Theo ICTnews)