Trong quý I/2018, doanh thu di động của VNPT giảm so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu từ thoại và SMS của MobiFone giảm tới 73%; còn Viettel cũng khẳng định doanh thu di động 3 tháng đầu năm của tập đoàn này không tăng.
Thông tin nêu trên được đại diện lãnh đạo các nhà mạng lớn VNPT (VinaPhone), Viettel và MobiFone cho biết tại Hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước quý I/2018 của Bộ TT&TT được tổ chức sáng nay, ngày 3/4.
Thông tin về kết quả kinh doanh của Tập đoàn trong quý I năm nay, Chủ tịch VNPT Trần Mạnh Hùng cho hay, kế hoạch sản xuất kinh doanh của VNPT trong 3 tháng đầu năm 2018 có nhiều biến động, đã có sự thay đổi quy định khuyến mại dịch vụ di động, trong đó khuyến mại cho thuê bao trả trước giảm từ 50% xuống 20% (Theo Thông tư 47 của Bộ TT&TT có hiệu lực từ ngày 1/3/2018), do đó ảnh hưởng doanh thu di động của VNPT giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo ông Hùng, doanh thu hợp nhất toàn VNPT tương đương so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 24% kế hoạch. Riêng lợi nhuận toàn tập đoàn đạt 21,5%, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Mặc dù nhận định bước đầu quy định mới về khuyến mại dịch vụ di động đã có ảnh hưởng tác động đến việc hoàn thành kế hoạch doanh thu của tập đoàn, song ông Hùng cũng phân tích: “Việc giảm doanh thu thẻ nạp là tại thời điểm tháng 3/2018 so với giai đoạn trước, vẫn cần đợi một thời gian nữa để xem xét tác động. Bởi lẽ, các nhà mạng thông thường khuyến mại trong tài khoản thuê bao nhiều, do đó sau một thời gian thuê bao sử dụng hết mới nạp tiếp, có thể nguyên nhân giảm là do độ trễ về doanh thu nạp, không nhất thiết là do điều chỉnh chính sách khuyến mãi giảm từ 50% xuống 20%. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi việc này trong quý II và III/2018 để đánh giá tiếp tác động của quy định mới về khuyến mại”.
Nhấn mạnh tính đúng đắn của chủ trương đảm bảo khuyến mại lành mạnh, song ông Hùng cũng đề xuất điều hành theo Luật Cạnh tranh để đảm bảo các doanh nghiệp không khuyến mãi quá nhiều và quá dày, chẳng hạn như quy định cụ thể Quota số lần khuyến mại mà nhà mạng được phép thực hiện trong 1 năm. Ông Hùng cũng bày tỏ mong muốn Bộ TT&TT tiếp tục theo dõi việc thực hiện quy định mới về khuyến mại trong quý II và III tới để có những điều chỉnh phù hợp hơn.
Cũng như VNPT, theo Phó Tổng Giám đốc Viettel Hoàng Sơn, trong quý I/2018, thị trường viễn thông nhiều biến động, doanh thu cơ bản không tăng được. Hết quý I, Viettel đạt 23,4% kế hoạch doanh thu cả năm. Riêng về nộp ngân sách nhà nước, dự kiến hết quý I, Viettel nộp 9.719 tỷ đồng, hoàn thành 26% kế hoạch năm.
Cùng với kiến nghị Bộ TT&TT gia hạn thêm thời gian cho các doanh nghiệp để củng cố lại cơ sở dữ liệu khách hàng theo quy định của Nghị định 49/2017/NĐ-CP, có thêm những hướng dẫn thực hiện Nghị định này cụ thể, thiết thực hơn, ông Hoàng Sơn đề nghị Bộ xem xét để có cơ chế quản lý “lỏng” với dịch vụ thoại và SMS nhưng riêng với Data cần kiểm soát chặt hơn cộng với có một số cơ chế chính sách khuyến mại sao cho có tính thị trường cao hơn. “Nếu chúng ta không quản lý Data thì sẽ tạo ra bất cập, ảnh hưởng chung tới các doanh nghiệp, một mặt gây ra sự không bình ổn thị trường viễn thông và sự kiểm soát thị trường viễn thông không theo đúng xu thế”, ông Sơn nói.
Còn với MobiFone, theo đại diện nhà mạng này, tổng doanh thu của MobiFone trong quý I/2018 tăng so với cùng kỳ 6,3%. Tuy nhiên, cũng như các nhà mạng khác, doanh thu về thoại, SMS của MobiFone giảm 73%. Lợi nhuận của MobiFone trong 3 tháng đầu năm 2018 đạt xấp xỉ 22% kế hoạch năm.
MobiFone cho hay, Tổng Công ty đang thực hiện nghiêm túc các quy định quản lý nhà nước về thuê bao trả trước, khuyến mại; tập trung triển khai kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ; đồng thời triển khai kế hoạch kinh doanh quý II/2018 của Tổng Công ty.
Ghi nhận đề xuất, kiến nghị của VNPT, Viettel liên quan đến vấn đề khuyến mại cũng như việc sửa Nghị định 49, đại diện Cục Viễn thông - Bộ TT&TT cho biết, Cục đang đề xuất chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, có việc sửa Nghị định 25/2011/NĐ-CP, trong đó có nêu các vấn đề liên quan đến nội dung về khuyến mại, về quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP để có những sửa đổi tổng thể, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.
Theo ông Trần Duy Hải - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Thông tư 47 quy định hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ di động trả trước và trả sau là chủ trương quan trọng của Bộ TT&TT: ngoài các biện pháp trước đây đã áp dụng để xử lý SIM rác, tin nhắn rác, lần này lãnh đạo Bộ quyết định đưa ra thêm biện pháp kinh tế. Để làm việc này, Bộ TT&TT đã trực tiếp bàn, xin ý kiến của các Bộ, ngành cũng như các doanh nghiệp. Cơ bản các Bộ: Tư pháp, Công Thương, Tài chính, những đơn vị chủ trì về quản lý cạnh tranh, quản lý giá đều cơ bản nhất trí với Bộ TT&TT.
"Trong quá trình xây dựng Thông tư 47, Cục Viễn thông đã họp với các doanh nghiệp và xin ý kiến bằng văn bản. Và trước khi Thông tư ó hiệu lưc, ngày 28/3/2018, Cục đã họp với các doanh nghiệp để triển khai. Số liệu thời điểm thực hiện Thông tư 47 cho thấy, số lượng thẻ nạp rất nhiều, tăng đột biến, đặc biệt là Viettel. Theo quan điểm của Cục Viễn thông, có thể trong quý I, doanh thu thẻ tăng, các doanh nghiệp hiện chưa có thông tin về số thuê bao chuyển từ trả trước sang trả sau; nhưng chúng tôi thấy hiện nay các gói cước trả sau tương đồng với trả trước trước đây. Thông tư 47 đã có tác dụng tốt", ông Hải nhận định.
Đề cập đến nguyên nhân giảm doanh thu của các nhà mạng, đại diện Cục Viễn thông cho rằng chủ yếu là do các doanh nghiệp dang đua nhau giảm giá Data, giá Data tại Việt Nam hiện rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. “Chúng tôi đã nhiều lần khuyến nghị các doanh nghiệp về việc hạ giá cước thoại xuống và tìm cách duy trì giá cước Data, bởi về lâu dài Data sẽ là nền tảng để sử dụng các dịch vụ. HIện nay, các nhà mạng đều đang có những gói Data với giá cước rất thấp. Đề nghị các doanh nghiệp làm sao tính giá Data trên giá thành. Nếu không, khi Bộ điều chỉnh tiếp giá cước kết nối tiệm cận hơn với giá thành, chắc chắn các doanh nghiệp scòn bị biến động doanh thu mạnh hơn”, đại diện Cục Viễn thông khuyến nghị.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã chỉ đạo Cục Viễn thông trong quý II/2018 tăng cường công tác quản lý chuyên ngành và công tác thực thi quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông tập trung vào: quản lý cạnh tranh, quản lý giá cước, khuyến mại; chuyển đổi mã mạng; tiếp tục công tác thanh kiểm tra và thực thi các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, mua bán, lưu thông SIM di động sai quy định.
Với các doanh nghiệp thuộc Bộ, Bộ trưởng yêu cầu tập trung thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh; thực hiện kịch bản tăng trưởng của đơn vị hàng quý/năm, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cùng với đó, các doanh nghiệp thuộc Bộ cũng được yêu cầu trong quý II/2018, tiếp tục tập trung thực hiện công tác cơ cấu lại, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực TT&TT theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện hiệu quả chức năng quản lý, chủ sở hữu đối với tài sản nhà nước.
(Theo ICTnews)