Thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2021 tăng trưởng đến 53%, tạo động lực cho toàn bộ nền kinh tế số trong nước có thể đạt 21 tỷ USD vào năm nay, theo Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á do Google, Temasek và Bain & Company công bố mới đây.
Các chuyên gia đều khẳng định Covid-19 là yếu tố chính thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Dịch bệnh đã thay đổi thói quen mua sắm của người dân, từ chủ yếu mua trực tiếp chuyển lên trực tuyến.
Góp phần lớn trong vận hành thương mại điện tử chính là hệ thống giao vận (logistics). Trong giao vận, yếu tố công nghệ đóng vai trò rất quan trọng.
|
Nhân viên kiểm hàng trong kho một công ty vận chuyển thương mại điện tử. (Ảnh: Ninja Van) |
Trả lời ICTnews về việc áp dụng công nghệ trong lưu kho và vận chuyển hàng hoá thương mại điện tử tại Việt Nam, ông Phan Xuân Dũng, Giám đốc Kinh doanh Ninja Van Việt Nam cho hay, Việt Nam tiên phong áp dụng nhiều công nghệ mà một số nước trong khu vực hay thậm chí thế giới chưa nghĩ tới.
Cụ thể, có hai yếu tố công nghệ quan trọng đang được áp dụng trong khâu giao vận tại Việt Nam.
Thứ nhất, người Việt mua hàng trực tuyến rất kỳ vọng nhận hàng nhanh chóng. Do đó, các công ty giao vận buộc phải tối ưu quy trình để làm sao giao hàng nhanh nhất, việc này ở một số nước trong khu vực hoặc thậm chí châu Âu đều không phải nghĩ tới. Muốn làm được như vậy, công nghệ phải hỗ trợ người giao hàng biết được sắp tới sẽ nhận loại hàng hoá gì, sắp xếp lên xe ra sao, sau đó tính toán lộ trình thế nào để giao tới các điểm nhanh nhất có thể.
Thứ hai, để việc giao hàng diễn ra nhanh chóng, ở kho bãi cần có hệ thống công nghệ tính toán tự động nhằm tối ưu hoá việc sắp xếp, lưu chuyển. Ví dụ các công ty thường tạo ra một băng chuyền tự động để gia tăng khả năng xếp hàng và năng suất lao động. Dây chuyền này có thể được nâng cấp bằng cách thêm vào một số thuật toán, sao cho đơn hàng ở xa nhất phải được xếp ở đáy túi hàng, đơn hàng gần thì nằm ở trên.
Điều tương tự cũng áp dụng khi đưa hàng lên xe tải hay máy bay. Các kiện hàng cần đưa xuống trước thì phải ở bên ngoài. Ví dụ kiện hàng ở Đà Nẵng phải được ra trước, kiện hàng đi Đồng Nai ra sau.
Toàn bộ quy trình hậu cần vận chuyển cũng cần được áp dụng công nghệ để có thể biết được một kiện hàng đang ở vị trí nào trên xe tải, đang nằm trong kho hay được vận chuyển, theo thời gian thực từng phút.
Ninja Van là công ty khởi nghiệp tỷ đô ra đời tại Singapore và hiện phủ khắp Đông Nam Á, có nhiều đối tác ở châu Âu. Ông Xuân Dũng cho hay có rất nhiều tính năng về mặt công nghệ mà chỉ Việt Nam nghĩ ra, chưa có các nước khác triển khai. Điều này do các công ty công nghệ tại Việt Nam rất năng động và có khả năng thực thi tốt, người Việt lại dễ tiếp thu cái mới.
Chẳng hạn, hiện nay công ty giao vận tại Việt Nam có thể sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu lớn để dự đoán được các mặt hàng sẽ bán chạy nhằm phục vụ người bán trong khâu nhập hàng. Không chỉ đơn thuần dự báo hàng hoá theo mùa, hệ thống có thể biết một số mặt hàng cụ thể sẽ trở thành xu hướng để giúp người bán nhập hàng.
Ông Xuân Dũng nhận xét hệ sinh thái buôn bán trực tuyến đa kênh tại Việt Nam thuộc hàng đa dạng nhất khu vực. Người bán và người mua không chỉ mua hàng ở trên kênh thương mại điện tử mà có thể mua hàng trên Facebook cá nhân, trên các kênh mạng xã hội, trong nhóm buôn bán online, hay thông qua các website/ứng dụng được nhà bán hàng tự xây dựng.