Mới đây, tại Hội nghị toàn quốc về công nghiệp văn hóa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung đầu tư, khai thác, hỗ trợ và phát triển phần mềm và các trò chơi giải trí, đưa các giá trị văn hóa truyền thống, nghệ thuật, lịch sử Việt Nam vào phần mềm ứng dụng tương tác. Với nhiều tiềm năng phát triển, như quy mô thị trường, hạ tầng viễn thông, Internet, nhân lực tăng nhanh và có trình độ tiếp cận công nghệ mới, thậm chí còn được xem là thủ phủ của game ứng dụng Block Change, ngành trò chơi điện tử giải trí của Việt Nam có tiềm năng trở thành một ngành công nghiệp không khói mới, đóng góp cho công nghiệp văn hóa đất nước.
"Chúng ta là một nước xuất khẩu game rất tốt, đứng top 5 trên bảng xếp hạng Download và người dùng. Có khoảng hơn 3 tỷ game thủ trên toàn thế giới, trong đó Việt Nam có khoảng 40 triệu người dùng. Chính vì thế, việc xuất khẩu và sản xuất game trong 3 năm tới chắc chắn sẽ có những bước tiến lớn", bà Vũ Thị Trang – Giám đốc điều hành công ty Gamota cho biết.
10 năm trước, Việt Nam lần đầu tiên thu hút sự chú ý của các game thủ thế giới sau cơn sốt Black Bird. Có thể nói, mỗi game hay sản phẩm văn hóa Việt Nam nếu thành công thì cũng sẽ góp phần đưa tên tuổi, cũng như giá trị văn hóa quốc gia đến với thế giới. Ngày càng có nhiều trò chơi điện tử chứa đựng yếu tố lịch sử, văn hóa dân tộc được phát hành rộng rãi đến công chúng, điển hình như các trò chơi Triều đại Tây Sơn, 7554, 300475, Thuận thiên kiếm…
Theo thống kê của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, một nửa số trò chơi trực tuyến trên điện thoại di động được chơi nhiều nhất có nguồn gốc từ Việt Nam; một nửa số trò chơi trực tuyến studio hàng đầu châu Á Thái Bình Dương và Australia là của Việt Nam; 1/25 trò chơi trực tuyến tải trên các kho ứng dụng là của Việt Nam. Tuy nhiên, để đáp ứng được kỳ vọng, lĩnh vực này cần quy chuẩn, quy định cụ thể, cả về đào tạo nhân lực và quản lý thị trường.
"Hiện tại, nguồn nhân lực cho ngành game chưa đủ để đáp ứng. Chưa có một trường đại học nào có khoa đào tạo chính quy nhân sự đặc biệt cho ngành game", ông Trần Trọng Kiên – Giám đốc Điều hành công ty cổ phần trực tuyến Gosu cho biết.
Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành trò chơi điện tử của Việt Nam, trong đó có siết chặt quản lý, ngăn chặn, dỡ bỏ các trò chơi trực tuyến lậu, không phép cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam; cũng như tạo điều kiện thông thoáng hơn về thủ tục cấp phép, chính sách ưu đãi nhằm tạo không gian phát triển cho doanh nghiệp.
Trung Quốc là quốc gia có thị trường trò chơi trực tuyến phát triển nhất thế giới vào năm 2021. Tuy nhiên, sau thời gian phát triển quá nóng, nước này siết chặt quản lý với quy định khắt khe, nhằm tránh ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của xã hội, nhất là giới trẻ. Vào đầu năm 2023, Chính phủ nước này đã nới lỏng một số quy định để đảm bảo cho sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất trò chơi trực tuyến, đồng thời hạn chế tác hại đến xã hội.
Còn tại Việt Nam, hiện vẫn còn những lỗ hổng quản lý game, cần được bổ sung các quy định để siết chặt như thời gian chơi game, độ tuổi chơi, quy định cấp phép game… Việc tạo ra một sân chơi riêng với quy định nghiêm ngặt về an toàn là rất quan trọng, để vừa có thể phát huy tiềm năng mạnh mẽ của ngành công nghiệp văn hóa này vừa đảm bảo an toàn xã hội và sự phát triển lành mạnh của thế hệ trẻ.