Sự dịch chuyển của người dùng khi xem các nội dung phim ảnh, giải trí, thể thao trên Internet thay vì ngồi trước màn hình tivi đang được coi là mối đe dọa đối với ngành truyền hình trả tiền của Việt Nam.
Tại Hội thảo về truyền hình vừa được tổ chức tại Đà Nẵng mới đây, ông Lương Quốc Huy, Phó Tổng giám đốc SCTV cho rằng, việc chuyển dịch thuê bao sang dịch vụ OTT được coi là mối đe dọa lớn đối với ngành công nghiệp truyền hình trả tiền, đặc biệt là ở các quốc gia nơi có Internet tốc độ cao với mức giá phải chăng. Một số lý do khác dẫn tới sự thay đổi này bao gồm gia tăng chi phí lập trình cho truyền hình trả tiền truyền thống, giảm khả năng chi trả đa kênh và các giao dịch hấp dẫn được cung cấp với việc bán các thiết bị OTT như Chromecast và Amazon Fire TV.
“Để phù hợp với xu thế hiện nay, các đài truyền hình trong nước phải sáng tạo hơn về mặt nội dung, tạo ra các chương trình hấp dẫn hơn đối với khán giả, nhất là giới trẻ. Một số đài như K+, FPT Telecom, MobiFone… cũng bắt đầu đầu tư vào các sản phẩm truyền hình trực tuyến, dựa trên nền tảng Internet để người dùng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận. Mức phí của gói tivi trực tuyến này cũng tương đương với các gói dịch vụ truyền hình truyền thống mà các đài này cung cấp”, ông Huy nhận xét.
Theo ông Phạm Thành Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ số Sao Bắc Đẩu, sự phát triển của truyền hình OTT là cơ hội để tăng doanh thu cho các đài phát thanh - truyền hình hiện nay. Ngoài việc cố gắng duy trì lượng khán giả trung thành xem truyền hình qua tivi, việc phát triển lượng khán giả mới trên nền tảng OTT là cách để tối đa hóa doanh thu cho các đài truyền hình, đặc biệt, khi quảng cáo trên Internet đang tăng mạnh. Sau khi có nền tảng công nghệ tốt, việc duy nhất cần làm là chuẩn bị nội dung hay để hấp dẫn khán giả.
Ông Phan Thanh Giản, Giám đốc điều hành Clip TV nhận định, đây là thời điểm vàng để dịch chuyển truyền hình truyền thống sang truyền hình OTT. Các đài truyền hình phải chấp nhận sống chung và cạnh tranh một cách sòng phẳng với các nhà cung cấp nội dung lên Internet.
Vài năm trở lại đây sự phát triển của OTT tại Việt Nam diễn ra nhanh chóng với số lượng các ứng dụng ra mắt liên tục và số lượng người sử dụng không ngừng gia tăng. Mục tiêu ban đầu của OTT giúp cho người dùng chat, gọi điện có hình, tạo nhóm công việc trao đổi, họp trực tuyến… Chứng tỏ sự phát triển của OTT đã có tác động không nhỏ đến đời sống của con người.
Thời gian gần đây, một số đơn vị truyền hình lớn như SCTV, VTVcab, K+ đã đầu tư cung cấp dịch vụ nội dung qua nền tảng Internet. Bước đầu những ứng dụng OTT cho người dùng được cung cấp miễn phí cho các thuê bao truyền hình trả tiền, tuy nhiên các nhà đài cũng hướng tới việc thu phí người dùng trên OTT. Có thể nói, chi phí đầu tư cho việc làm nội dung trên OTT không hề nhỏ. Với những chi phí để sản xuất phim riêng cho OTT, hay mua các bản quyền thể thao có đủ quyền phát trên mọi nền tảng. Chi phí gia tăng trong khi doanh thu từ dịch vụ OTT không đáng kể , do đó cuộc chơi OTT chỉ có thể là cuộc chơi của những ông lớn, có tiềm lực.
Theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, hiện đã có 34 doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong đó có 16/34 doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền trên mạng Internet (OTT), chiếm tỷ lệ 47% . Về số lượng thuê bao đã có 14,3 triệu thuê bao, chiếm tỷ lệ 62% số thuê bao/hộ gia đình gần đạt tới chỉ tiêu về số hộ gia đình sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền tại Quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh truyền hình đến năm 2020.
Số lượng kênh chương trình truyền hình trong nước là 194 kênh tăng 9%; Số kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép biên tập để cung cấp trên dịch vụ phát thanh truyền hình là 69 kênh tăng 72%. Số lượng đại lý kênh truyền hình nước ngoài là 11 đơn vị, tăng 83% so với trước khi có Nghị định 06. Doanh thu thị trường truyền hình trả tiền năm 2016 là 7.500 tỷ, năm 2017 là 7.800 tỷ và đến quý 2/2018 đạt khoảng 3.900 tỷ đồng.
Bên cạnh các kết quả đạt được, thị trường truyền hình trả tiền trong nước còn có những vấn đề bất cập. Có 78 mạng xã hội, trang điện tử đang cung cấp các chương trình truyền hình dạng thức đăng ký thuê bao có thu phí người sử dụng. Các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp các dịch vụ xem phim, các trò chơi truyền hình theo yêu cầu trên mạng Internet xuyên biên giới đang mở rộng thị trường, hướng tới các đối tượng tại Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp đối với các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền trong nước.
(Theo ICTnews)