Cuộc chơi OTT là trận đấu với các ông lớn Facebook, Google, NetFlix với tiềm lực hùng hậu cả về tài chính, công nghệ, trong khi đó các nhà cung cấp dịch vụ OTT trong nước dù đã có sự chuyển dịch nhưng vẫn rất chậm chạp.
Facebook, Google, NetFlix đang hướng vào thị trường Việt Nam để cung cấp các dịch vụ xem phim, các trò chơi truyền hình theo yêu cầu, các giải đấu thể thao phát trực tiếp miễn phí trên mạng xã hội, điều này dự báo các đài truyền hình Việt Nam sẽ ngày càng bị cạnh tranh mạnh về vấn đề bản quyền, cũng như có nguy cơ bị mất khán giả về tay các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số.
NetFlix đang âm thầm vào thị trường Việt Nam từ 3 năm nay, dù mức phí được cho là cao nhất thị trường (nếu so với các nhà cung cấp dịch vụ VOD trong nước), theo nguồn tin của ICTnews, ước tính NetFlix đã có khoảng 300.000 thuê bao. NetFlix đang hướng mạnh vào thị trường Việt Nam với rất nhiều phim mới có phụ đề tiếng Việt. Với những ai đã dùng NetFlix thì đều có thể khó bỏ, bởi kho phim khổng lồ với nhiều bộ phim được NetFlix đầu tư sản xuất riêng rất hấp dẫn người dùng. Đó là lời giải cho câu hỏi vì sao NetFlix lại nhanh chóng bành trướng ra toàn cầu một cách nhanh chóng như vậy.
Trong khi cuộc đấu với các ông lớn công nghệ như Facebook, Google, NetFlix đang hiện hữu thì các nhà làm nội dung trong nước vẫn loay hoay tìm lời giải cho bài toán đầu tư vào nội dung OTT.
Có thể nói hiện nay truyền hình OTT ở Việt Nam đang có 4 nhóm tham gia:
Nhóm thứ nhất là các nhà đài như K+, SCTV, VTV chuyển sang hướng làm OTT, lấy Internet làm nền tảng truyền dẫn (trước sử dụng các nền tảng cáp, vệ tinh).
Nhóm thứ hai là nhà mạng như Viettel, VTC, MobiFone, lấy nội dung của nhà đài hoặc tự sản xuất nội dung để làm truyền hình.
Nhóm thứ ba là các đơn vị sản xuất nội dung thuần túy như Cát Tiên Sa, BHD... có thế mạnh sản xuất các chương trình giải trí, muốn xây dựng ứng dụng riêng.
Nhóm thứ tư là những đơn vị làm dịch vụ nền tảng (platform) như FPT Play, ZingTV, Clip TV, VNPT Media... Ngoài ra, còn có các “ông lớn” nước ngoài tham gia cuộc chơi như YouTube, Netflix, Iflix.
Cho dù ứng dụng OTT ở Việt Nam chủ yếu cho người dùng xem miễn phí, nhưng các đơn vị dịch vụ truyền hình, các công ty truyền thông đã có xu hướng truyền tải các nội dung giải trí đến người dùng thông qua các ứng dụng OTT. Điểm nổi bật, các ứng dụng xem truyền hình đang được đầu tư và ra mắt liên tục trong thời gian qua. Có thể kể tên những ứng dụng đạt hàng triệu lượng tải và sử dụng như: VTVgo, VTVcab ON, Onme, FPTplay, ClipTV, VTV Giải trí … với nội dung tập trung là truyền dẫn các kênh truyền hình trong nước và quốc tế, các giải thể thao, các sự kiện ca nhạc, phim bộ và phim điện ảnh…
Đi đầu trong việc đưa nội dung riêng lên OTT có thể những tên tuổi như VTV đã sản xuất riêng serie “Người phán xử tiền truyện” cho ứng dụng VTV giải trí, FPT đầu tư tự sản xuất “Có Giời mới biết” hay gameshow “Mở két”… VTVcab đã đầu tư nhiều hơn các thể loại phim hấp dẫn, riêng biệt dành cho các ứng dụng VTVcab ON, Onme như trước đây đã từng trình chiếu các series phim: Đàn ông sau 5 giờ, Nè biết gì chưa ….
Xu hướng này tìm kiếm nội dung trên OTT đã khiến các nhà đài đẩy mạnh sản xuất những nội dung riêng cho OTT, một số ứng dụng bắt đầu đẩy mạnh hơn việc sản xuất các nội dung phim riêng biệt trên OTT, chỉ phát sóng trên các ứng dụng OTT của mình. Các đơn vị không chỉ mua các nội dung phim quốc tế mà họ còn bắt đầu đầu tư sản xuất các bộ phim riêng cho các OTT của mình.
Hiện tại SCTV, VTVcab, K+, VTC đều công bố sẽ cung cấp nội dung có bản quyền trên OTT. Tuy nhiên trên thực tế thì cả các đơn vị truyền hình có tiềm lực nhất như VTV, VTVcab, SCTV, K+ cũng chưa thực sự tạo được cú hích cho nội dung OTT. Nội dung trên OTT chủ yếu là nội dung truyền hình, còn nội dung riêng cho OTT còn rất ít và đầu tư nhỏ lẻ. Phim bộ bắt đầu xuất hiện nhưng cũng chưa thực sự lôi cuốn được người dùng.
Cuộc chơi OTT là trận đấu với các ông lớn về công nghệ với tiềm lực hùng hậu cả về tài chính, công nghệ, trong khi đó các nhà cung cấp dịch vụ OTT trong nước dù đã có sự chuyển dịch nhưng vẫn rất chậm chạp. Trên thị trường các doanh nghiệp nhỏ đang cung cấp dịch vụ nội dung vi phạm bản quyền, làm cho việc cung cấp dịch vụ truyền hình OTT lại càng gặp nhiều khó khăn hơn.
(Theo ICTnews)