Truyền hình hết thời chiếm vị trí độc tôn phát sóng các giải đấu thể thao, bởi sự bành trướng của các ông lớn công nghệ như Facebook, Amazon, vừa giầu tiềm lực tài chính, vừa có lượng người dùng lớn hơn bất cứ đài truyền hình nào.
Nhiều năm trước, những người làm trong ngành thể thao từng có nhiều lần chứng kiến cảnh một giải đấu thể thao phải bỏ tiền để được lên sóng trực tiếp. Bởi đó là những môn thể thao, dù là đỉnh cao, cũng không thu hút được nhiều sự quan tâm, nhiều người chú ý. Bóng đá Việt Nam với các giải quốc nội, bản quyền truyền hình chưa bao giờ bán được tiền tươi...
Các giải đấu muốn có được quảng cáo thì phải đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt việc tường thuật trực tiếp gần như là điều kiện tiên quyết để thu hút tài trợ, quảng các. Chính vì thế các đài truyền hình luôn có quyền “chảnh” trước việc quyết định có lên sóng trực tiếp giải đấu đó hay không. Hiếm có giải đấu thể thao nào mà vấn đề bản quyền truyền hình thành vấn đề nóng, bởi tâm lý việc được lên sóng trực tiếp là tốt rồi, chưa nói đến việc phải bỏ tiền mua sóng.
Nhưng những năm gần đây, trong bối cảnh truyền hình đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các phương tiện truyền thông số, những trận đấu thể thao trực tiếp là nội dung tốt nhất để các nhà đài giữ khán giả bên màn hình vô tuyến. Chính vì vậy, bản quyền thể thao đã trở thành thị trường có giá trị khổng lồ, chứng kiến sự cạnh tranh cực kỳ khốc liệt giữa các đơn vị phát sóng.
Gần đây, người xem đã chứng kiến khả năng truyền hình hết thời chiếm vị trí độc tôn phát sóng các giải đấu thể thao, bởi sự bành trướng của các ông lớn công nghệ, vừa giầu tiềm lực tài chính, vừa có lượng người dùng lớn hơn bất cứ đài truyền hình nào.
Việc Facebook đã bỏ 264 triệu USD để sở hữu độc quyền bản quyền Ngoại hạng Anh ba mùa giải 2019 -2022 tại 4 nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam thực sự là một cú sốc với các đơn vị truyền hình tại các quốc gia này. Tại Việt Nam gói bản quyền Ngoại hạng Anh mà Facebook mua được cho là lên tới 100 triệu USD, cao hơn gấp đôi so với số tiền mà K+ và các đơn vị truyền hình Việt Nam bỏ ra để mua bản quyền Ngoại hạng Anh mùa giải 2016 -2019.
Trong cuộc đua về bản quyền với các ông lớn công nghệ như Facebook hay Amazon chắc chắn các đài truyền hình ở Việt Nam sẽ tụt lại phía sau, bởi không có bất cứ một đơn vị truyền hình nào ở Việt Nam có đủ tiềm lực tài chính để đấu lại với các các đại gia tỷ USD như Facebook. Dự báo, trong những năm tới các đơn vị truyền hình sẽ tiếp tục chứng kiến các giải đấu thể thao đỉnh cao khác tiếp tục xa rời kênh sóng của họ, vì bị các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số giành giật mất bản quyền.
Ở giải đấu tầm cỡ khu vực như AFF Cup thì năm 2018 cũng đã xuất hiện sự cạnh tranh về bản quyền phát sóng, ngoài VTV thì một đơn vị nội dung số trong nước là Next Media cũng đã mua gói bản quyền thứ 2 để phát sóng trên các hạ tầng truyền hình trả tiền và Internet, mạng xã hội. Việc Next Media mua và khai thác gói bản quyền AFF Cup 2018 ở Việt Nam chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lượng khán giả xem kênh VTV6, bởi vì lượng khán giả theo dõi thể thao qua Internet và ứng dụng OTT ngày càng tăng lên. Đơn cử như hồi VTC sở hữu bản quyền ASIAD, số lượng người dùng ứng dụng VTC Now tăng đột biến từ 150.000 lên 1,3 triệu chỉ trong vòng 10 ngày diễn ra ASIAD. Chưa kể là có hàng triệu người theo dõi qua các trang web, ứng dụng OTT thu lậu, vi phạm bản quyền.
Việc các đài truyền hình Việt Nam có bản quyền các giải đấu quốc tế ngày càng trầy trật. Từ bản quyền World Cup 2018 đến bản quyền ASIAD 2018 đều chung một kết quả là có vào phút chót, hoặc có khi giải đấu đã diễn ra. World Cup 2018 phải đến sát nút VTV mới mua được, còn bản quyền ASIAD 2018 thì đến khi giải đã khởi tranh được 10 ngày VTC mới có thể có được.
Nguyên nhân chính của sự chậm chân chính là giá cả. Với World Cup, năm 2010 Việt Nam mua bản quyền với mức giá khoảng 3 triệu USD, nhưng đã tăng lên khoảng 7 triệu USD kỳ World Cup 2014 và đến kỳ World Cup 2018 tăng lên trên 14 triệu USD.
Bản quyền ASIAD có tỉ lệ tăng, thậm chí còn “khủng” hơn: ASIAD 2014 bản quyền cho gói độc quyền trên một nền tảng phát sóng là 400.000 USD và không độc quyền là 200.000 USD. Nhưng đến kỳ ASIAD 2018 mà VOV/VTC mới vừa sở hữu, mức giá là gần 1,2 triệu USD, gấp khoảng hơn 3 lần. Còn nếu tính từ kỳ ASIAD 2006 đến kỳ ASIAD 2018 thì mức giá tăng từ con số 10.000 USD lên gần 1,2 triệu USD, tăng hơn 100 lần.
Facebook, Google, NetFlix đang hướng vào thị trường Việt Nam để cung cấp các dịch vụ xem phim, các trò chơi truyền hình theo yêu cầu, các giải đấu thể thao phát trực tiếp miễn phí trên mạng xã hội, điều này dự báo các đài truyền hình Việt Nam sẽ ngày càng bị cạnh tranh mạnh về vấn đề bản quyền, cũng như có nguy cơ bị mất khán giả về tay các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số.
(Theo ICTnews)