Ngân hàng Nhà nước đã ký quyết định chấp thuận triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, hay còn gọi là Mobile Money, cho các doanh nghiệp viễn thông trong nước.
Không cần tài khoản ngân hàng, không cần tiền mặt cũng không yêu cầu phải sử dụng điện thoại thông minh, chỉ cần một chiếc điện thoại cài đặt Mobile Money, người dùng có thể thanh toán nhanh chóng cho các đồ dùng thiết yếu như: thực phẩm, hàng tiêu dùng...
Chị Việt Hà hôm nay đi mua nước giặt ở hàng tạp hóa. Người bán không có tài khoản ngân hàng nên bình thường, khi mua đồ ở đây, chị sẽ phải trả tiền mặt. Tuy nhiên, hôm nay, chị đã cài Mobile Money và chỉ cần hỏi số điện thoại của người bán, nhập số tiền thì ngay lập tức, chị đã có thể thanh toán tiền qua điện thoại. Người bán nhận luôn được tiền.
"Trước kia khi đi mua đồ, nhiều nơi phải cầm tiền mặt hoặc thẻ ngân hàng để thanh toán. Nhưng khi có Mobile Money, mình đi chỉ cần một chiếc điện thoại là có thể chuyển tiền qua điện thoại luôn. Rất tiện lợi" - chị Đỗ Thị Việt Hà (Quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết.
Chị Trần Thị Hiên (Quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng có trải nghiệm tương tự: "Hôm nay lần đầu tiên sử dụng cái này, mình thấy rất tiện lợi. Trước đây, mình không có số tài khoản ngân hàng thì bắt buộc phải nhận tiền mặt. Bây giờ có cái này sử dụng số điện thoại để thanh toán luôn".
Để có thể sử dụng Mobile Money, cách thông dụng hiện nay là người dùng chỉ cần đến các điểm giao dịch của nhà mạng, gặp nhân viên nhà mạng để được hướng dẫn cách đăng ký, nạp tiền, chuyển tiền... khi mua sắm.
Chỉ tính riêng nhà mạng VinaPhone, hiện có hơn 1.100 điểm giao dịch của nhà mạng này phục vụ người dân sử dụng Mobile Money. Còn MobiFone triển khai cung cấp dịch vụ bước đầu tại hơn 600 điểm giao dịch của nhà mạng này rồi sẽ tiếp tục mở rộng ra hơn 10.000 điểm giao dịch.
Anh Phạm Hoàng Anh - Chuyên viên phát triển sản phẩm của VNPT cho biết: "Để có thể sử dụng Mobile Money, điều lưu ý đó là chỉ những thuê bao di động định danh, chính chủ mới được mở tài khoản dịch vụ này".
Hiện Việt Nam vẫn còn khoảng 50% dân số chưa có tài khoản ngân hàng và phần lớn người dùng trả tiền mặt khi mua hàng dưới 100.000 VNĐ. Dịch vụ Mobile Money sẽ tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy chuyển đổi số và mở rộng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đến hầu hết người dân, đặc biệt với những người ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều mà các dịch vụ ngân hàng truyền thống, ví điện tử chưa làm được.
Việc cấp phép trỉển khai thí điểm Mobile Money trong 2 năm được xem là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, tiến tới nền kinh tế số, xã hội số.