Một nghiên cứu từ Đại học Drexel cho thấy trẻ em nên bị cấm sử dụng màn hình điện tử cho đến năm 3 tuổi vì điều đó có thể dẫn đến nguy cơ chậm phát triển.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về thói quen xem TV và xem phim của 1.471 trẻ dưới 2 tuổi. Trong đó, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những đứa trẻ 1 tuổi được cho phép xem màn hình có khả năng gặp các vấn đề về xử lý giác quan cao hơn 105% khi gần 3 tuổi (33 tháng tuổi).
Những đứa trẻ này nhiều khả năng phát triển các hành vi thiếu tập trung, thiếu hứng thú với các hoạt động, phản ứng chậm hoặc choáng ngợp trước những âm thanh lớn và ánh sáng chói. Ngoài ra, trẻ sơ sinh và mới biết đi sử dụng các thiết bị điện tử cũng có nhiều biểu hiện liên quan đến rối loạn phát triển thần kinh như chứng tự kỷ và rối loạn tăng động/giảm chú ý (ADHD).
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng không chỉ độ tuổi, số thời gian trẻ được phép xem màn hình cũng ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của chúng. Mỗi giờ sử dụng màn hình hàng ngày tăng khả năng có biểu hiện về giác quan lên 23% sau 18 tháng tuổi và giảm xuống còn 20% đối với trẻ 24 tháng tuổi.
Với nghiên cứu mới, các chuyên gia kết luận rằng không nên cho trẻ dưới 3 tuổi xem màn hình điện tử. Ngoài ra, đối với trẻ từ 3 đến 5 tuổi, thời gian xem màn hình điện tử trong một ngày chỉ nên ở mức một giờ đồng hồ. Ngoại lệ duy nhất được đề cập tới là trẻ có thể nhìn màn hình khi trò chuyện qua video do điều này hữu ích cho sự phát triển của chúng.
Một số tác động đáng lo ngại có thể liên quan tới thời gian trẻ sử dụng thiết bị điện tử bao gồm chậm ngôn ngữ, các vấn đề liên quan đến hành vi, khó ngủ và khó khăn trong việc giải quyết vấn đề.