Sau một giai đoạn dài thành công, Toshiba bắt đầu đi chệch hướng với hàng loạt sai lầm 'không thể tha thứ' vào những năm đầu của thế kỷ 21.
Từng được coi là "tượng đài" công nghệ của Nhật Bản, tập đoàn điện tử Toshiba hiện lại đang rơi vào tình trạng "cắt da, xẻ thịt" để bù đắp cho những sai lầm trong quá khứ.
Là một cái tên quen thuộc đối với người dân Việt Nam với hàng loạt sản phẩm từ TV đến tủ lạnh và máy giặt... hầu như ai cũng đều đã từng sử dụng một món đồ gia dụng của Toshiba trong đời.
Được thành lập vào năm 1939 dưới sự hợp nhất của Tập đoàn Điện tử Tokyo Denki và Tập đoàn Kỹ thuật Shibaura Seisaku-sho, cùng với chính sách cho vay ưu đãi và hạn chế cạnh tranh trong nước từ Chính phủ Nhật, Toshiba đã vươn lên trở thành một "ông lớn" toàn cầu trong giai đoạn 1980-1990, đặc biệt là năm 1985 với sự ra đời của mẫu máy tính xách tay T1100.
Toshiba là công ty chế tạo máy tính cá nhân lớn thứ năm thế giới về doanh thu vào năm 2010, xếp sau Hewlett-Packard, Dell, Acer và Lenovo.
Cùng năm đó, Toshiba cũng trở thành công ty sản xuất chất bán dẫn lớn thứ tư thế giới về doanh thu (đứng sau Intel, Samsung và Texas Instruments).
Tập đoàn này từng đi đầu trong rất nhiều công nghệ mới, như TV 3D không cần kính hay TV độ phân giải 4K Ultra HD. Hãng cũng đi tiên phong trong việc chế tạo những chiếc đầu đĩa HD DVD, với loại đĩa DVD dung lượng lớn và có thể lưu trữ được những bộ phim có chất lượng cao.
Tuy vậy, sau một giai đoạn dài thành công, Toshiba bắt đầu đi chệch hướng với hàng loạt sai lầm "không thể tha thứ" vào những năm đầu của thế kỷ 21.
Đầu tiên, thay vì tập trung phát triển dòng TV LCD từ sớm, hãng vẫn cố gắng bám trụ với TV CRT và thậm chí còn tăng cường sản xuất loại TV này, dù những công nghệ được sử dụng đã lỗi thời.
Đến năm 2006, hãng thực hiện thương vụ đấu thầu và mua lại nhà máy điện hạt nhân Westinghouse với giá 5,4 tỷ USD. Với việc thắng thầu,
Toshiba nắm giữ 77% cổ phần tại nhà máy này và được kỳ vọng sẽ thu lời lớn trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới muốn phát triển điện hạt nhân.
Tuy nhiên, yếu tố "thiên thời" đã quay lưng lại với Toshiba khi một cơn sóng thần ập vào bờ biển Nhật Bản năm 2011, gây ra cuộc khủng hoảng nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, khiến Nhật Bản và hàng loạt nước khác phải ngừng các dự án hạt nhân.
"Vận đen" đối với tập đoàn công nghệ của Nhật Bản vẫn chưa dừng ở đó. Năm 2015, Toshiba bị phanh phui vụ bê bối kế toán tài chính, được xem là vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử các doanh nghiệp Nhật Bản.
Nhằm mục đích hoàn thành chỉ tiêu đặt ra, cả ba đời Chủ tịch Toshiba là Hisao Tanaka, Norio Sasaki và Atsutoshi Nishida đều đã gây áp lực với cấp dưới để "làm đẹp" số liệu kinh doanh.
Với nhiều sai lầm mang tính hệ thống như vậy, doanh thu và lợi nhuận của Toshiba liên tục giảm. Hồi tháng 6/2020, Toshiba dự kiến lợi nhuận hoạt động trong năm tài chính 2020 (kết thúc vào tháng 3/2021) sẽ giảm 15,7% xuống còn 110 tỷ yen (1 tỷ USD) do dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu đối và làm chậm việc khôi phục toàn bộ hoạt động sản xuất.
Gần đây, Toshiba đã nhận được lời đề xuất "bán mình" cho quỹ đầu tư tư nhân CVC Capital Partners (Anh), với mức giá khoảng 20 tỷ USD để lấy 30% cổ phần trong Toshiba.
Theo Dealogic, nếu được thực hiện, đây sẽ là một trong những thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử châu Á, vượt qua thương vụ Bain Capital mua lại mảng chip nhớ của Toshiba hồi năm 2018.
theo ICTNew/vietnam+