Bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam, nhận định: chuyển đổi số không còn là giấc mơ tại Việt Nam nữa mà đã trở thành sự thật.
Tham gia một khảo sát của Cisco về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, 100% doanh nghiệp Việt Nam trả lời họ đã chuẩn bị toàn diện để áp dụng các công nghệ mới. Khảo sát của Cisco có quy mô 1.325 lãnh đạo CNTT cao cấp tại các công ty có từ 500 nhân viên trở lên tại châu Á – Thái Bình Dương.
Trong báo cáo dựa trên khảo sát này, Cisco thống kê tỉ lệ các công nghệ được ứng dụng tại doanh nghiệp Việt Nam bao gồm: đám mây (77,33%), an ninh mạng (88%), IoT (36%), trí tuệ nhân tạo (45,33%), tự động hóa (62,67%), dữ liệu lớn và phân tích (46,67%). Số người tham gia trả lời khảo sát là 75.
Một nghiên cứu khác được Cisco thực hiện gần đây liên quan đến bảo mật trong khu vực ASEAN cho thấy Malaysia, Indonesia và Việt Nam đã chặn đứng các nguy cơ nhiều gấp 3,5 lần so với trung bình toàn cầu. Khảo sát khác cũng của Cisco lại chỉ ra 1/3 sự cố an ninh mạng tại Việt Nam khiến nạn nhân thiệt hại hơn 10 triệu USD, so với chỉ 4% của khu vực và 3% của thế giới, cao hơn cả nạn nân lớn tiếp theo là Australia (10%).
Tuy nhiên, Việt Nam không đứng im mà đã phản kháng lại. Tháng 1/2018, Trung tâm xử lý tấn công mạng Internet Việt Nam có nhiệm vụ giám sát an toàn không gian mạng Việt Nam được thành lập. Tháng 6/2018, Quốc hội thông qua luật An ninh mạng, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Các lãnh đạo CNTT cũng đánh giá nghiêm túc vấn đề: 81% người được hỏi cho biết họ đã nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT để cải thiện khả năng ứng phó an ninh mạng, tỉ lệ cao nhất trong số các công nghệ khác đối với Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung. Các giám đốc thuộc lĩnh vực tài chính và quản lý trong dịch vụ công xem trọng vấn đề hơn: tất cả những người trong chính phủ được khảo sát đều nói nó quan trọng và 94% trong dịch vụ tài chính. Nó phản ánh trong các quyết định triển khai công nghệ mới: 88% nói đã bắt đầu ứng dụng an ninh mạng, tỉ lệ lớn nhất trong các loại công nghệ.
99% cho biết công ty của họ đã có chiến lược chuyển đổi số. Việt Nam còn là quốc gia duy nhất nơi tất cả giám đốc nói họ tin chiến lược chuyển đổi số của mình là toàn diện để đáp ứng được các mục tiêu. Không chỉ có vậy, số lượng lãnh đạo CNTT Việt Nam đưa đám mây, an ninh mạng và tự động hóa vào danh sách công nghệ có thể định hình tương lai công ty cao hơn bất kỳ nước nào khác, gợi ý họ đang tập trung vào các công nghệ quan trọng tại giai đoạn phát triển này của đất nước. Dữ liệu của khảo sát gợi ý tất cả mọi lĩnh vực và tổ chức, dù lớn hay nhỏ, đều đang nghĩ theo cách này.
Bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam, nhận định: “Chuyển đổi số không còn là giấc mơ tại Việt Nam mà đã trở thành hiện thực. Doanh nghiệp trên cả nước đang ứng dụng công nghệ và khai thác sức mạnh của nó để vượt qua các thách thức, khai mở cơ hội tăng trưởng mới. Từ cải thiện hiệu quả kinh doanh đến trao quyền cho lực lượng lao động di động, nâng cao trải nghiệm khách hàng, công nghệ đang giúp họ trên nhiều mặt trận.
Khi doanh nghiệp đang tiến hành chuyển đổi, họ bắt đầu hiểu được để khai thác hoàn toàn tiềm năng của ứng dụng kỹ thuật số, họ cần phải xem an ninh mạng như thành phần cơ bản của chiến lược số. Trong khi các công ty bắt đầu ứng dụng công nghệ để giúp họ, Việt Nam cần phát triển các năng lực địa phương, đặc biệt về khía cạnh nhân tài và hợp tác chặt chẽ hơn với tất cả các bên để chia sẻ thông tin nhằm bảo đảm họ đi trước một bước so với các thế lực xấu”.
(Theo ICTnews)