Vào thời điểm cuối năm, nhiều từ điển trên thế giới đã chọn ra từ khóa của năm. Trí tuệ nhân tạo - AI cũng đang là một trong từ khóa của năm vì nó đi sâu vào quá nhiều lĩnh vực của đời sống. Có thể nói, trong bức tranh công nghệ 2024, AI đóng vai trò là một mảng màu chủ đạo.
Sự phát triển của robot hình người tích hợp AI
Năm 2024 tiếp tục chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của robot hình người tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Nếu như về mặt ngoại hình, robot hình người được thiết kế để ngày càng giống người hơn như lớp da thật hơn, biểu cảm chân thực hơn thì "bộ não" cũng đã có sự phát triển vượt bậc khi AI cung cấp "trí tuệ", cho phép những cỗ máy này học hỏi từ môi trường xung quanh, đưa ra quyết định và thực hiện các nhiệm vụ phức tạp.
Với các phương pháp AI mới hiện đang được phát triển để xử lý hình ảnh, ngôn ngữ, robot ngày càng tương tác tốt hơn, có thể hiểu được các hướng dẫn của con người và sau đó biến hướng dẫn đó thành hành động.
Một thành tựu mới mà robot AI hình người đạt được gần đây là bức chân dung nhà toán học người Anh Alan Turing do robot Ai-Da vẽ. Bức tranh đã trở thành tác phẩm nghệ thuật đầu tiên do robot sáng tác được bán đấu giá, với mức giá kỷ lục 1,32 triệu USD.
Robot Ai-Da bên bức chân dung nhà toán học Alan Turing (Ảnh: Sotheby's)
Robot AI ghi dấu ấn trong ngành y
Năm 2024 cũng là năm ghi nhận nhiều dấu ấn của AI trong ngành y. Với sự đào tạo của mô hình AI qua các video phẫu thuật, robot có thể thực hiện thành công các ca phẫu thuật khó khăn, với độ chính xác tuyệt đối và khả năng không thua kém gì con người.
Như tại Anh, các cuộc phẫu thuật do robot thực hiện đã đạt đến cột mốc mới là phẫu thuật được cho trẻ em. Cánh tay robot thực hiện hầu hết công việc, bác sĩ phẫu thuật chính chỉ làm nhiệm vụ điều khiển.
Công cụ hữu hiệu để bảo vệ môi trường
Môi trường và biến đổi khí hậu tiếp tục là vấn đề nóng trong năm 2024. Và năm nay cũng ghi nhận nhiều sự đóng góp của AI trong lĩnh vực này.
Như tại Australia, các thiết bị không người lái hoạt động dưới nước sử dụng AI để khảo sát rạn san hô Great Barrier.
Australia sử dụng thiết bị không người lái hoạt động dưới nước tích hợp AI để khảo sát rạn san hô Great Barrier (Ảnh: Great Barrier Reef Foundation)
Hay Brazil dùng thiết bị bay không người lái tích hợp AI để phân tán hạt giống ở những khu vực khó tiếp cận, nhằm tăng khả năng trồng cây gây rừng.
AI tác động đến kinh tế 2024 như thế nào?
Năm 2024, dấu ấn mạnh mẽ nhất của AI là tác động đến bức tranh kinh tế toàn cầu. Theo Grand View Research, riêng ngành công nghiệp AI đã đạt mức 279,2 tỷ USD và dự báo vào năm 2030 sẽ đạt 1.800 tỷ USD.
AI cũng làm thay đổi đáng kể và dự báo sẽ là hoàn toàn đối với lĩnh vực lao động, việc làm. Năm 2023, AI mới chủ yếu ở giai đoạn thử nghiệm và giới thiệu. Đến năm 2024, khi được tích hợp sâu hơn vào các lĩnh vực, AI đã đóng vai trò như một lực lượng chuyển đổi với nền kinh tế toàn cầu, trong đó mang lại cả cơ hội và thách thức. Với một số ngành liên quan đến y tế, công nghệ hay dịch vụ tài chính, AI đã góp phần tăng năng suất tới 40%.
Thị trường lao động cũng là một lĩnh vực bị tác động mạnh khi AI đã tự động hoá một số nhiệm vụ nhất định dẫn tới mất việc làm, nhưng nó cũng tạo ra các cơ hội việc làm mới. Thống kê cụ thể cho năm 2024 thì chưa có nhưng dự báo cho năm 2025 đã được Diễn đàn Kinh tế thế giới đưa ra, đó là AI có thể loại bỏ 85 triệu việc làm khỏi thị trường lao động nhưng lại góp phần tạo ra 97 triệu việc làm mới, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển, bảo trì và giám sát AI. Tuy nhiên, để có được sự chuyển đổi này, đòi hỏi lực lượng lao động phải được đào tạo lại và nâng cao kỹ năng.
Một ví dụ nữa để thấy được vai trò của AI trong năm 2024 là sự biến động của các mã cổ phiếu liên quan đến AI trên thị trường chứng khoán Mỹ. Vào thời điểm đầu năm, công ty dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất chip AI là NVIDIA có giá trị vốn hoá khoảng 1,2 nghìn tỷ USD nhưng tới giữa năm, giá trị vốn hoá của công ty này đã tăng tới 3,3 nghìn tỷ, vượt qua cả một số hãng công nghệ nổi tiếng như Apple hay Microsoft.
Cuộc đua phát triển công nghệ AI và những thách thức
Cuộc đua phát triển công nghệ AI đang ngày càng nóng lên với sự vào cuộc của hàng loạt quốc gia, các công ty công nghệ. Điều này hứa hẹn những bước tiến mới mà AI mang lại trong tương lai. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những thách thức
Các công ty công nghệ hàng đầu như Microsoft, Google, Meta, Amazon... đang đầu tư hàng tỷ USD vào việc áp dụng AI. Theo công ty đầu tư mạo hiểm Accel, nguồn tài trợ cho các công ty AI và dịch vụ đám mây tại Mỹ, châu Âu và Israel ước tính sẽ đạt 79,2 tỷ USD vào cuối năm nay. Riêng trong lĩnh vực robot hình người tích hợp AI, ông chủ Tesla - tỷ phú Elon Musk - cho biết sẽ có ít nhất 10 tỷ robot hình người có giá từ 20 nghìn đến 25 nghìn USD vào năm 2040.
Tuy nhiên, đi kèm với đó là những thách thức về môi trường. Các trung tâm dữ liệu với đầu não là AI đang tiêu tốn một lượng điện nước khổng lồ để duy trì hoạt động, đồng thời thải ra lượng CO2 khổng lồ không kém. Để giữ cho các trung tâm dữ liệu không bị quá nhiệt, nó cần phải được làm mát, thường là bằng 1 trong 2 cách: dùng rất nhiều điều hòa nhiệt độ hoặc nước. Nếu bạn tham gia vào một cuộc trò chuyện gồm 15 câu hỏi với ChatGPT về việc làm thế nào để nhận thức tốt hơn về môi trường, các chuyên gia ước tính bạn sẽ phải tiêu tốn khoảng nửa lít nước sạch. Điều này quả là nghịch lý.
Có thể thấy, sự phát triển của AI luôn đi kèm với thách thức, mà một vấn đề nổi cộm trong số đó là môi trường. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, đây là điều không thể tránh khỏi và cách tốt nhất mà con người có thể làm được là cân bằng lợi ích và bất cập mà AI mang lại.
Thế giới nỗ lực kiểm soát công nghệ trí tuệ nhân tạo
"Sự phát triển của AI nên đi kèm với quy định" - một chuyên gia nhận định. Những tiến bộ nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo trong thời gian qua đã khiến chúng ta kinh ngạc nhường nào. Nhưng cũng chính sự thông minh của AI cũng khiến nhiều người cảm thấy lo lắng bởi chúng đang ngày càng thay thế được vai trò của con người trong nhiều lĩnh vực và cả những mối lo về môi trường hay quyền riêng tư. Sự lo ngại này đã khiến các quốc gia phải song song tăng cường quản lý việc phát triển AI để trở nên chủ động hơn với công nghệ này.
Liên minh châu Âu (EU) đang là nơi tiên phong với việc tạo ra bộ luật đầu tiên trên thế giới về quản lý AI. Theo đó, tất cả các nội dung do AI tạo ra sẽ phải được đánh dấu và phân loại theo mức độ rủi ro. Các công ty muốn cung cấp ứng dụng AI tại EU sẽ phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt, nếu không muốn đối mặt với án phạt lên tới 6% tổng doanh thu hàng năm.
Tại Mỹ, chính phủ đã cho soạn thảo các hướng dẫn sử dụng và phát triển AI, đồng thời khẳng định sẽ sử dụng các công cụ pháp lý để chống lại mối nguy hại liên quan đến công nghệ này.
Cơ quản lý không gian mạng của Trung Quốc cũng đã công bố dự thảo quản lý các dịch vụ AI, buộc các công ty phải gửi đánh giá bảo mật trước khi triển khai các dịch vụ, sản phẩm ra thị trường. Nội dung do trí tuệ nhân tạo tạo ra cũng phải được gắn nhãn và tuân thủ việc không phân biệt giới tính, tuổi tác và chủng tộc.
Năm ngoái, hơn 1.000 người, bao gồm tỷ phú Elon Musk, nhà đồng sáng lập Apple Steve Wozniak và các chuyên gia thuộc Amazon, Google, DeepMind, Meta, Microsoft... đã ký vào thư kêu gọi 'giảm tốc' quá trình phát triển AI. Động thái nhằm xem xét rủi ro, đồng thời thiết lập các tiêu chuẩn an toàn về đạo đức và pháp lý và giúp ngăn chặn sự phát triển của AI theo hướng không mong muốn.
Xu hướng công nghệ AI trong năm 2025
Trí tuệ nhân tạo sẽ tiếp tục là công nghệ được nhắc đến nhiều nhất vào năm 2025, trong đó, được chú ý nhất là công nghệ AI tạo sinh. Thay vì thiết kế thuật toán để AI làm các nhiệm vụ đã được đào tạo, các công cụ AI sẽ tăng cường khả năng sáng tạo ra nội dung mới và hỗ trợ người dùng ra quyết định nhanh hơn.
Theo Analytics Insight, đến năm 2025, AI sẽ vượt trội trong việc tạo ra nội dung chất lượng cao, dựa trên cảm xúc cụ thể, giúp người dùng khai thác và nâng cao khả năng sáng tạo của mình.
Bên cạnh đó, AI hứa hẹn sẽ tiếp tục làm thay đổi dịch vụ khách hàng nhờ sự ra đời của AI Agents (tạm dịch: nhân sự AI) - có khả năng hiểu và phản hồi các yêu cầu phức tạp, đồng thời đưa ra các khuyến nghị chính xác dựa trên sở thích cá nhân của từng người dùng.
Trong lĩnh vực dữ liệu, AI tạo sinh mang lại những thay đổi mang tính cách mạng như tạo ra dữ liệu tổng hợp mô phỏng hay các mô hình dự đoán mà không tốn thời gian nghiên cứu. Quan trọng nhất, khác với AI truyền thống, các công cụ AI thế hệ mới có thể tự cải thiện hiệu suất thông qua việc tự học thay vì chờ con người can thiệp.
Một năm phát triển mạnh mẽ của AI và tiếp tục có thêm nhiều hứa hẹn trong năm tới. Đây là dự đoán của giới chuyên gia về công nghệ trí tuệ nhân tạo. Trong Hội nghị Tác động công nghệ Việt Nam vừa mới kết thúc tại Hà Nội, AI cũng là một trong những chủ để chính, cho thấy tầm quan trọng của AI cũng như sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới dành cho công nghệ này.