Ước tính, hiện có đến 40 nền tảng chuyển đổi số cấp quốc gia đã được triển khai thực hiện và bước đầu đạt được một số thành công như Bluezone, NcoV hay nền tảng dữ liệu quốc gia Datagov... Chính nhờ những bước đi này mà Việt Nam được đánh giá là thuộc nhóm quốc gia dẫn đầu trong chuyển đổi số thời COVID-19 và chắc chắn tốc độ chuyển đổi số trong mọi ngành nghề, lĩnh vực tại Việt Nam sẽ còn tăng cao trong những năm tới. Tuy nhiên, song song với xu thế phát triển đó là nguy cơ tấn công chiếm đoạt dữ liệu người dùng càng trở nên rõ rệt và trên thực tế cũng thường xuyên diễn ra, gây nhiều tổn hại.
Theo BKAV, năm 2020, thiệt hại do virus máy tính gây ra tại Việt Nam đã vượt mốc 1 tỷ USD (23,9 nghìn tỷ đồng), cao nhất từ trước đến nay. Nhiều trang thương mại điện tử lớn, một số nền tảng giao hàng trực tuyến có nhiều người sử dụng đã bị xâm nhập và đánh cắp dữ liệu.
Ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á, cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ 21 trên thế giới về các vụ tấn công lừa đảo với 673.743 cuộc tấn công được ghi nhận năm 2020.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2020 đã ngăn chặn được hơn 3 triệu mã độc, bao gồm các cuộc tấn công vào các nội dung: vi phạm chính sách (12,744%), tấn công thu thập thông tin (87,013%), từ chối dịch vụ (0,226%) và tấn công lây nhiễm và phát tán mã độc (0,017%).
Nhận định chung của các chuyên gia an ninh mạng cho thấy, trong năm 2021, các cuộc tấn công có chủ đích APT nhắm vào những hệ thống thông tin của các cơ quan Nhà nước và chủ quản hệ thống thông tin hạ tầng quan trọng quốc gia tại Việt Nam sẽ tăng mạnh.
Trong bối cảnh đó, Hội thảo và triển lãm quốc gia về An ninh, bảo mật 2021 với chủ đề "Thách thức và giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong giai đoạn chuyển đổi số hậu COVID-19" tập trung giới thiệu các vấn đề quan trọng như cơ chế, chính sách đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của cơ quan quản lý nhà nước; các nguy cơ, thách thức và giải pháp triển khai, vận hành hệ thống bảo mật thông tin dữ liệu trong các lĩnh vực trọng yếu như chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến, tài chính ngân hàng, viễn thông và đặc biệt là giải pháp bảo mật cho các tổ chức, doanh nghiệp đang chuyển đổi số trên nền tảng điện toán đám mây.
Song song với chương trình hội thảo còn có triển lãm công nghệ an toàn, bảo mật thông tin quy tụ nhiều sản phẩm công nghệ, giải pháp đảm bảo an toàn thông tin trên nền tảng băng thông rộng tốc độ cao phục vụ các lĩnh vực trọng yếu quốc gia. Tham gia trình bày tại triển lãm có các đơn vị tiêu biểu như VNPT, Viettel, Mobifone, Parasoft, Fortinet, Huawei, Lenovo, VNG cloud, Viettel Cyber Security, Security Box…
Một số hình ảnh tại triển lãm trong khuôn khổ sự kiện:
theo vtv