Sau World Cup, hàng loạt giải thể thao quốc tế chuẩn bị khởi tranh, liệu bản quyền các giải đấu khác có được các Hiệp sỹ Online quan tâm như việc bảo vệ bản quyền World Cup 2018 hay không?
Một kỳ World Cup thành công đã kết thúc với ngôi vô địch thuộc về đội tuyển Pháp. Lần đầu tiên vấn đề bảo vệ bản quyền thể thao nói chung và World Cup nói riêng được “xã hội hóa” với việc một Nhóm Hiệp sỹ Onlineđã tự nguyện vào cuộc cùng các nhà đài truy lùng và “bắt” các trang web, các tài khoản mạng xã hội vi phạm bảo vệ bản quyền World Cup 2018.
Sau World Cup 2018, hàng loạt giải thể thao quốc tế chuẩn bị khởi tranh, vấn đề bảo vệ bản quyền thể thao trên truyền hình lại được đặt ra. Liệu bản quyền các giải đấu khác có được các Hiệp sỹ Online quan tâm như việc bảo vệ bản quyền World Cup 2018 hay không?
Người hâm mộ Việt Nam từng bị thiệt thòi, không được thưởng thức trọn vẹn giải Champions League (Cúp C1), khi đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình là VTVcab bị cắt sóng giữa chừng vì bị một số đơn vị, cá nhân livestream, dẫn luồng tín hiệu trái phép. Ngay cả khi VTV mua được bản quyền World Cup 2018 thì các đài truyền hình và khán giả đã đặt vấn đề lo lắng: Người Việt sẽ có nguy cơ không được theo dõi trọn vẹn giải đấu hấp dẫn này, khi việc vi phạm bản quyền các trận đấu tại World Cup có nguy cơ diễn ra tràn lan, không thể kiểm soát và khó ngăn chặn. Rất may mắn là điều đó đã không xảy ra và người Việt vẫn được xem trọn vẹn 64 trận đấu trên các hạ tầng truyền dẫn. Thành công này có đóng góp rất lớn của Nhóm Hiệp sỹ Online đã tự nguyện cùng các đài VTV, HTV canh sóng World Cup để khỏi bị xâm hại bản quyền.
Sắp tới còn những giải bóng đá hàng đầu thế giới như: Ngoại hạng Anh, La Liga, Seria A, Bundesliaga, EFL Championship… sẽ khởi tranh từ đầu tháng 8. Không chỉ có vậy, hàng loạt sự kiện bóng đá hấp dẫn nhất thế giới như: Vòng loại World Cup, Vòng loại Euro, Nations League… cũng lần lượt khởi tranh. Từ 11/8/2018, chắc chắn khán giả sẽ tiếp tục được theo dõi giải bóng Ngoại hạng Anh mùa giải 2018 - 2019. Trong khi đó, các doanh nghiệp phải bỏ hàng triệu USD mua bản quyền phát sóng, phát triển thuê bao chật vật, có bản quyền rồi lại phải căng mình để “canh sóng”, truy lùng những trang web, những tài khoản sử dụng trái phép tín hiệu của các giải bóng. Trong trường hợp không bảo vệ được bản quyền, các nhà đài còn có nguy cơ bị đơn vị phân phối bản quyền phạt tiền, thậm chí bị kiện ra tòa án quốc tế. Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, việc bảo vệ bản quyền truyền hình rất cần có sự chung tay từ cộng đồng mạng, từ các hiệp sỹ CNTT, hiệp sỹ Online.
Một phần của vấn đề vi phạm bản quyền nằm ở nhận thức của người xem. Hiện người dân xem truyền hình như một tiện ích mà không thấy được giá trị của truyền hình nằm ở nội dung. Người dân luôn có xu hướng xem các chương trình đặc sắc nhưng không phải trả tiền cho nhà đài, luôn chờ đợi ở Facebook, YouTube phát lại các nội dung trên để xem miễn phí dẫn đến tình trạng ăn cắp nội dung phổ biến.
Vấn nạn vi phạm bản quyền tràn lan trên mạng dẫn đến việc chúng ta đang mất chủ quyền trên không gian mạng, mất kiểm soát tài sản, tài nguyên, chương trình và cả luật chơi ở trên không gian mạng. Mùa giải bóng đá quốc tế mới thường diễn ra liên tục trong vòng 10 tháng, do vậy, vấn đề bảo vệ bản quyền sẽ thực sự nan giải, cần có sự vào cuộc của các đơn vị sở hữu bản quyền, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị kinh doanh trên nội dung số…
(Theo ICTnews)