Trước đây, các số điện thoại di động không xác định được người thuê bao chính thức, hay còn gọi là SIM rác, chủ yếu được sử dụng để nhắn tin, gọi điện thoại quảng cáo. Giờ dây, nhiều SIM rác được kẻ xấu sử dụng để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo.
Bộ Thông tin và Truyền thông một lần nữa đưa ra yêu cầu rằng, trong tháng 3 này, các doanh nghiệp viễn thông phải chuẩn hóa thông tin thuê bao, qua đó có thể xác định được những chủ thuê bao gọi điện để quảng cáo hay lừa đảo. Tuy nhiên, vấn đề làm thế nào để đợt xử lý lần này không như các lần trước.
Cần hành động kiên trì và kiên quyết hơn
Những năm gần đây, các công ty viễn thông đã thực hiện nhiều đợt loại bỏ nạn SIM rác. Năm 2021 đã thu hồi 1,1 triệu SIM rác. Năm 2022 đã tiến hành tổng thanh tra 7 doanh nghiệp viễn thông di động của cả nước. Bên cạnh đó còn có những hành động mạnh mẽ hơn như yêu cầu người dân xác nhận thông tin thuê bao; xây dựng tổng đài nhắn tin phản ánh cuộc gọi, tin nhắn rác; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo xác định cuộc gọi rác..., qua đó, 22 triệu SIM rác đã bị khóa. Tuy nhiên, SIM rác vẫn tồn tại và đang trở thành phương tiện phạm tội.
PGS.TS. Nguyễn Ái Việt - nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng: "Với trình độ công nghệ hiện nay, tôi nghĩ hoàn toàn có thể làm được, thậm chí có thể dùng trí tuệ nhân tạo để chống lại trí tuệ nhân tạo trong việc tạo ra cuộc gọi rác và tin nhắn rác. Nếu mà nói rằng các cuộc gọi rác và tin nhắn rác là không thể chặn được, chẳng qua là lý do ngụy biện. Nguyên nhân sâu xa là sự quyết tâm vẫn chưa cao".
SIM rác có thể trở thành công cụ để những kẻ ẩn danh thực hiện hành vi lừa đảo
Các công ty viễn thông đang chuẩn hoá thông tin thuê bao trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nếu sau ngày 15/5 tới đây vẫn còn tình trạng SIM rác được sử dụng để quảng cáo và lừa đảo mà cơ quan chức năng không xác định được đúng chủ thuê bao thì sẽ như thế nào. Vì SIM rác do chính các công ty viễn thông cung cấp không đúng quy định và đang mang lại lợi nhuận lớn cho các công ty viễn thông. Các SIM dùng để gọi hay nhắn tin quảng cáo sẽ có số lượng tin nhắn và cuộc gọi nhiều hơn SIM bình thường rất nhiều. Ước tính đang có khoảng 4 triệu SIM loại này.
Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông - khẳng định: "Sau ngày 15/5, nếu như mà vẫn tiếp tục còn tình trạng SIM rác, cuộc gọi rác thì chúng tôi phải xem xét lại chính sách mà chúng ta đã đề ra, những giải pháp về mặt kỹ thuật mà các doanh nghiệp đã đưa ra rồi ý thức của người sử dụng… để tiếp tục đồng bộ tiếp".
Luật sư Hoàng Văn Hướng - Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Hưng, Đoàn luật sư TP. Hà Nội - cho rằng: "Chúng ta rào vấn đề SIM rác, cuộc gọi rác bằng các chế tài theo pháp luật, bằng ý thức phòng chống của người sử dụng, phải phản ánh các chứng cứ để xử phạt. Và cho phép tôi trân trọng đề nghị và cũng là kêu gọi các nhà mạng, cùng vì một trật tự xã hội chung, vì đạo đức kinh doanh… Trong một xã hội, trật tự là rất cần cho một quốc gia, một dân tộc đang phát triển. Những nhà quản lý các nhà mạng cũng phải ý thức điều này để chúng ta xây dựng chính sách làm sao tốt nhất".
SIM rác được sử dụng để nhắn tin, gọi điện thoại quảng cáo là hành vi gây ra phiền hà và bực mình cho nhiều người. SIM rác bị kẻ xấu sử dụng để lừa đảo gây mất trật tự, an toàn xã hội. Nhưng nếu SIM rác bị những kẻ xấu sử dụng vào mục đích phá hoại, làm mất ổn định và an ninh quốc gia thì hậu quả sẽ rất lớn. Và giờ là thời điểm phải xóa bỏ nạn SIM rác. Việc này có thể làm được nhưng phải kiên trì và kiên quyết.
Vấn nạn SIM rác không phải câu chuyện của riêng một quốc gia
Vấn nạn SIM rác dẫn tới cuộc gọi rác và tin nhắn rác không phải chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Cách đây 10 năm tại Trung Quốc có khoảng 800 triệu thuê bao di động thì 40% trong số đó không có đăng ký thông tin chủ thuê bao, dẫn đến nhiều hệ lụy.
Để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc đã quyết định, tất cả các thuê bao di động vô danh tại nước này sẽ bị các nhà mạng cắt dịch vụ.
Từ đó, với người dân Trung Quốc, mua SIM điện thoại không dễ khi phải khai báo thông tin chứng minh nhân dân, hình ảnh chính chủ. Các công ty điện thoại có những thiết bị để kiểm tra độ chính xác của các thông tin cá nhân. Tại một số tỉnh thành, khi mua SIM, ngoài đăng ký thông tin cá nhân, người dân còn phải thêm thủ tục nhận diện khuôn mặt.
Người mua SIM cần giữ SIM cẩn thận, nếu để mất phải thông báo bởi SIM điện thoại rất quan trọng. Nó là thủ tục để khai báo khi làm các tài khoản để mua hàng thương mại điện tử, để mở các tài khoản mạng xã hội nội địa Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc SIM điện thoại liên quan đến tiền bạc, liên quan đến trách trách nhiệm công dân.
Trung Quốc có nhiều mạng di động nên mỗi người có thể có nhiều SIM của nhiều hãng. Nhưng do phải đăng ký thông tin cá nhân thật, bảo quản cẩn thận nên hầu như ít người muốn sở hữu nhiều SIM. Một thời gian dài không sử dụng SIM sẽ bị tự động hủy. Tài khoản mạng xã hội nội địa cũng đăng ký tên thật, số điện thoại thật nên người dân phải chịu trách nhiệm khi phát ngôn.
Nhờ quản lý chặt chẽ thông tin thật nên các ngành chức năng có thêm cơ sở dữ liệu công dân khổng lồ phục vụ cho nhiều quản lý trật tự xã hội.
Như vậy, ngăn chặn SIM rác là việc hoàn toàn có thể làm được nếu cơ quan quản lý Nhà nước và các công ty viễn thông có chính sách nghiêm ngặt và thực sự có quyết tâm.