Facebook "lươn lẹo" khi tuyên bố ngừng nhận diện gương mặt người dùng?
Trong bài viết mới đây trên trang blog chính thức, Facebook cho biết mạng xã hội này sẽ ngừng sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt của người dùng trên ảnh, video đăng tải trên nền tảng này. Bên cạnh đó, Facebook cho biết cũng đang lên kế hoạch để xóa toàn bộ dữ liệu gương mặt của hơn một tỷ người dùng đã thu thập từ trước đến nay.
Facebook từ bỏ tính năng nhận diện gương mặt người dùng, nhưng công ty mẹ Meta vẫn tiếp tục sử dụng (Ảnh: PYMT).
Nhận diện gương mặt là tính năng cho phép Facebook nhận biết những người có trong ảnh và video, từ đó gợi ý người dùng tag tên của họ mỗi khi chia sẻ ảnh hoặc video lên mạng xã hội này. Tuy nhiên, tính năng này vấp phải nhiều sự phản đối từ phía người dùng vì lo ngại rằng gương mặt của họ sẽ bị thu thập và sử dụng cho nhiều mục đích xấu, làm ảnh hưởng đến sự riêng tư.
Động thái ngừng sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt để thu thập thông tin người dùng đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ giới công nghệ lẫn người dùng Facebook. Tuy nhiên, niềm vui này kéo dài không lâu.
Theo ông Jason Grose, người phát ngôn của Meta, tính năng nhận diện gương mặt sẽ chỉ dừng hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram…, nhưng vẫn sẽ được tiếp tục sử dụng trong quá trình xây dựng metaverse (đa vũ trụ ảo) của Meta.
"Chúng tôi tin rằng công nghệ này có tiềm năng cho phép sử dụng tích cực trong tương lai để phục vụ nhu cầu của mọi người", ông Jason Grose cho biết. "Chúng tôi sẽ có những cách tiếp cận để đảm bảo quyền riêng tư, khả năng kiểm soát và tính minh bạch cho người dùng. Mọi người có thể kiểm soát được hệ thống nhận diện gương mặt và dữ liệu cá nhân của họ, cũng như cách chúng tôi sử dụng các dữ liệu một cách có trách nhiệm".
Ngoài tính năng nhận diện gương mặt, Meta đang khám phá nhiều cách khác nhau để kết hợp sinh trắc học vào quá trình xây dựng metaverse mới của mình, nhằm mô phỏng một thế giới ảo trên Internet, nơi mọi người có thể tương tác với nhau thông qua những hình ảnh đại diện giống như chính họ trên thế giới thực. Meta cũng được cho là đang nắm giữ DeepFake, công nghệ phức tạp với khả năng mô phỏng gương mặt của bất kỳ ai để ghép vào các hình ảnh, video một cách chuẩn xác.
Việc Meta tiếp tục sử dụng tính năng nhận diện gương mặt, dù Facebook đã tuyên bố từ bỏ, được giới công nghệ đánh giá là hành động "lươn lẹo" của mạng xã hội này, nhằm xoa dịu dư luận trong bối cảnh Facebook đang chịu nhiều sự chỉ trích vì xâm phạm quyền riêng tư người dùng và không có biện pháp đủ mạnh để bảo vệ người dùng trẻ tuổi cũng như loại bỏ thông tin giả mạo trên nền tảng của mình.
Hiện Meta vẫn chưa mô tả rõ vũ trụ ảo metaverse mà hãng đang xây dựng, tuy nhiên, nhiều chuyên gia công nghệ hoài nghi về sự thành công của vũ trụ ảo này và lo ngại rằng nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dùng Internet, hơn là những mặt tích cực như những gì mà Mark Zuckerberg đã "vẽ ra".
Những tác hại khó lường của công nghệ nhận diện gương mặt
Các hãng công nghệ ngày càng muốn thu thập nhiều dữ liệu về sinh trắc học của người dùng, như vân tay, mống mắt, gương mặt… tuy nhiên, nếu vân tay hay mống mắt thường chỉ mang tính chất bảo mật cục bộ, thì dữ liệu về gương mặt có thể được sử dụng cho rất nhiều mục đích khác nhau.
Dữ liệu gương mặt của người dùng sau khi thu thập có thể được bán cho bên thứ 3 nhằm sử dụng cho công nghệ DeepFake, một công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo để ghép mặt của bất kỳ ai vào bên trong những đoạn video hoặc hình ảnh với mức độ chuẩn xác cao và khó có thể nhận ra.
Các công nghệ về nhận diện gương mặt còn được sử dụng cho mục đích giám sát và truy tìm tội phạm. Tuy nhiên, những hạn chế về công nghệ này đã dẫn đến những nhầm lẫn trong quá trình nhận diện, thậm chí có trường hợp đã bị bắt nhầm vì sai sót của công nghệ nhận diện gương mặt.
Hiện chính quyền nhiều thành phố tại Mỹ đã cấm sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt để điều tra vụ án. Một số "ông lớn công nghệ" như IBM, Microsoft hay Amazon cũng đã lên tiếng cảnh báo những nguy hại của công nghệ nhận diện gương mặt và ngừng phát triển công nghệ này.
Do đó, việc Meta vẫn tiếp tục sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt đã khiến nhiều người dùng phải lo ngại về mục đích thực sự của công nghệ này.