Cuộc đua chinh phục Sao Hỏa
Tìm kiếm bằng chứng về sự sống, tạo tiền đề cho tham vọng chinh phục và định cư trên Sao Hỏa luôn là mơ ước của toàn nhân loại.
Tháng 2/2021, sau hành trình bay kéo dài 7 tháng, robot tự hành của NASA đã hạ cánh xuống bề mặt Sao Hỏa mang theo một thiết bị bay mini, bắt đầu hành trình tìm kiếm dấu vết sự sống trên hành tinh đỏ.
Tiếp nối NASA, Trung Quốc cũng đã hạ cánh thành công robot tự hành Chúc Dung xuống bề mặt Sao Hỏa vào ngày 15/5, trở thành quốc gia thứ hai sau Mỹ có thiết bị thăm dò đáp xuống hành tinh này kể từ năm 1973.
Robot Chúc Dung và tàu đổ bộ Thiên Vấn-1 trên bề mặt Sao Hỏa (Ảnh: CNSA)
Du lịch vũ trụ bùng nổ
Sau cuộc đua chinh phục Sao Hỏa, nhiều tỷ phú trên thế giới đã dành không ít tâm huyết và nguồn lực để phát triển các dịch vụ du lịch vũ trụ.
Ngày 11/7, tỷ phú người Anh Richard Branson lần đầu tiên bay lên rìa vũ trụ cùng 5 người khác bằng máy bay vũ trụ do công ty Virgin Galactic phát triển. Tiếp sau đó, tỷ phú Jeff Bezos cùng ba hành khách cũng đã thực hiện chuyến bay lên rìa vũ trụ bằng hệ thống tên lửa đẩy và khoang tàu chở khách của Blue Origin.
Tỷ phú Jeff Bezos (Ảnh: Blue Origin)
Cả hai chuyến bay đã mang đến cho hành khách trải nghiệm môi trường không trọng lực trong 3 - 4 phút và nhìn ngắm Trái Đất từ trên cao.
Ngày 16/9, công ty Space X lần đầu tiên đưa các phi hành gia nghiệp dư bay vào vũ trụ. Sự tham gia của các công ty tư nhân trong lĩnh vực hàng không vũ trụ đang khiến việc tiếp cận không gian trở nên rẻ và khả thi hơn, đem ước mơ chinh phục không gian đến với nhiều người.
Nguyên mẫu tàu vũ trụ của SpaceX trong chuyến bay thử nghiệm (Ảnh: SpaceX)
Bước tiến mới trong năng lượng nhiệt hạch
Nhằm tạo ra nguồn năng lượng sạch, có thể tái tạo, an toàn và vô hạn, nhiều quốc gia trên thế giới đang nghiên cứu phát triển lò phản ứng nhiệt hạch. Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ đã có nhưng bước tiến lớn, hứa hẹn biến sản xuất điện từ phản ứng nhiệt hạch thành hiện thực.
Cuối tháng 5/2021, lò phản ứng siêu dẫn tiên tiến đã xác lập kỷ lục khi đạt nhiệt độ Plasma 120 triệu độ C trong 101 giây và 160 triệu độ C trong 20 giây. Lò phản ứng thử nghiệm nhiệt hạt nhân quốc tế do nhiều nước hợp tác tiến hành, đã hoàn thành 75% tiến độ với kinh phí 23,7 tỷ USD. Dự kiến, lò có thể sản xuất năng lượng bằng mức tiêu hao vào năm 2026.
Xu hướng sử dụng thực phẩm nhân tạo
Tháng 7, công ty Pháp Gourmey sản xuất gan ngỗng nhân tạo đầu tiên trên thế giới từ tế bào gốc của vịt khiến một đầu bếp Michelin không thể tìm ra điểm khác biệt với gan thật. Đến tháng 8, Đại học Osaka, Nhật Bản sử dụng tế bào gốc từ bò Wagyu nổi tiếng để in 3D thịt chứa cơ, chất béo và mạch máu giống hệt với một miếng thịt thông thường.
Sử dụng tế bào gốc từ bò Wagyu để in 3D miếng thịt nhân tạo (Ảnh: techeblog)
Ngoài thực phẩm nhân tạo gốc động vật, các chuyên gia cũng phát triển các loại sản phẩm có nguồn gốc thực vật, giúp người ăn chay có thêm nhiều lựa chọn. Đó là sản phẩm thay thế trứng chứa Protein đậu nành, tôm chay làm từ rong biển, đậu Hà Lan hay tinh bột tổng hợp từ CO2, Hydro và điện.
Việc sử dụng các loại thực phẩm nhân tạo mang đến trải nghiệm tương đương cho người ăn trong khi không cần phải trồng trọt, chăn nuôi tốn kém tác động lớn đến môi trường. Dự báo xu hướng này sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
thei VTV