Đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động nặng nề đối với thế giới, nhưng đồng thời cũng góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2021, các nhà sáng chế sẽ hướng tới nhiều giải pháp công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu người dùng, từ cuộc sống cá nhân cho tới lĩnh vực công việc.
Những đổi mới công nghệ lấy cảm hứng từ dịch bệnh
Khẩu trang, webcam và chất khử trùng cho cơ thể... và cả các thiết bị của chúng ta. Đó là những thứ mà vào năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, không mấy ai có thể tưởng tượng được rằng mình sẽ phải phụ thuộc vào. Thế nhưng giờ đây, các doanh nghiệp đang ngày càng chú trọng nhiều hơn đến những đổi mới công nghệ liên quan đến các sản phẩm này.
Một trong những sản phẩm được quan tâm nhất chính là những webcam chất lượng tốt hơn để phục vụ cho các cuộc gọi qua video liên tục được thực hiện trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Hãng công nghệ Hàn Quốc Samsung mới đây cho biết mẫu điện thoại thông minh Galaxy sắp ra mắt của hãng, dự kiến vào đầu năm 2021, sẽ cải thiện khả năng quay video và gọi điện. Các nhà sản xuất máy tính xách tay được dự báo cũng sẽ sớm đưa ra động thái tương tự, và thẳng tay loại bỏ những chiếc webcam có độ phân giải thấp.
Phát triển những webcam chất lượng cao sẽ là ưu tiên hàng đầu của nhiều nhà sản xuất (Nguồn: Reuters)
Nhiều người khác sẽ chú ý đến thiết bị khử trùng bằng tia cực tím (UV) để làm sạch điện thoại và các thiết bị. Những phiên bản xách tay của thiết bị này sẽ được phát triển để người dùng có thể mang theo trong túi xách hoặc để trên xe ô tô.
Một sản phẩm khác cũng quan trọng không kém khi đi ra khỏi nhà là những chiếc khẩu trang công nghệ cao, được trông đợi sẽ tích hợp hàng loạt tính năng như công nghệ Bluetooth, micro, máy lọc không khí dưới dạng thiết bị đeo, hay khẩu trang có đèn LED UV khử trùng diệt khuẩn. Ngoài ra, nhiều người cũng kỳ vọng các những công nghệ khác như cảm biến chất lượng không khí, hệ thống hỗ trợ theo dấu tiếp xúc và hơn thế nữa.
Bạn thậm chí có thể được mặc một chiếc áo len giãn cách xã hội. SimpliSafe, một công ty an ninh gia đình, đã tạo ra một phiên bản áo len có thể phát ra âm thanh báo động khi ai đó đến cách bạn trong vòng 6 feet (1,8 mét). Mặc dù được coi là một sản phẩm vui nhộn, chiếc áo len này đã ngay lập tức được bán hết.
Áo len giãn cách xã hội - một sản phẩm lấy cảm hứng từ dịch bệnh COVID-19 (Nguồn: SimpliSafe)
Hiện đại hóa máy tính xách tay
Nhờ dịch bệnh, chiếc máy tính xách tay giờ đây không còn là một thiết bị nhàm chán nữa. Nhu cầu sử dụng máy tính để làm việc hoặc học tập tại nhà đã khiến sản phẩm này nhận được sự quan tâm chưa từng có trong nhiều năm qua. Mỹ và nhiều nước từng phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung máy tính xách tay trong mùa khai giảng năm ngoái.
Những chiếc laptop đang trở thành món đồ không thể thiếu để làm việc, học tập thời COVID-19 (Nguồn: Reuters)
Các hãng công nghệ đang cố gắng nâng cấp tối đa sản phẩm của mình. Hồi tháng 11, Apple đã giới thiệu chiếc MacBook Air và MacBook Pro đầu tiên sử dụng chip M1 do hãng tự phát triển, thay vì chip Intel như truyền thống. Kết quả là máy tính chưa bao giờ chạy êm, mát và hoạt động được lâu như vậy trong một lần sạc.
Việc Apple chuyển đổi từ chip dựa trên kiến trúc x86 của Intel sang chip dựa trên công nghệ Arm có công suất thấp hơn, tương tự như chip bên trong điện thoại, đang đặt toàn bộ ngành công nghiệp máy tính vào một hướng đi mới. Lenovo, Acer và Microsoft đã bắt đầu phát hành máy tính xách tay sử dụng hệ điều hành Windows hoặc Chrome OS với chip của Qualcomm, công ty chuyên cung cấp những bộ vi xử lý cho điện thoại Android. Chủ tịch Qualcomm Cristiano Amon dự báo, xu hướng này sẽ tăng tốc trong những năm tới, khi hầu như mọi nhà sản xuất máy tính Windows lớn đều sẽ hợp tác với Qualcomm để phát triển máy tính xách tay và một số mẫu thậm chí còn có khả năng kết nối 5G.
Việc Apple sử dụng chip tự phát triển thay cho chip Intel đang hướng ngành công nghiệp máy tính tới một hướng đi mới (Nguồn: Apple)
Apple, công ty đang có kế hoạch chuyển toàn bộ dòng máy Mac sang bộ vi xử lý của riêng mình vào năm 2022, cũng dự kiến sẽ phát hành một chiếc iMac mới. Và sẽ không có gì ngạc nhiên khi nhiều gã khổng lồ công nghệ, bao gồm cả Amazon và Microsoft, sử dụng chip tùy chỉnh của riêng họ trong mọi sản phẩm, từ máy tính xách tay, máy chủ cho đến thiết bị đeo.
Rạp chiếu phim tại nhà
Nhiều bộ phim bom tấn của năm 2021 sẽ có mặt tại phòng khách nhà bạn cùng thời điểm chiếu rạp. chiếu tại các phòng khách cùng lúc với các rạp chiếu.
Hồi tháng 4 năm ngoái, Universal Pictures đã cho phát sóng bộ phim "Trolls World Tour" trên các nền tảng trực tuyến trong bối cảnh các rạp chiếu phim phải đóng cửa vì dịch bệnh và đã phá kỷ lục một cách bất ngờ khi đạt doanh thu 100 triệu USD. Sau đó, Disney cũng đặt cược lớn khi phát hành phim "Hoa Mộc Lan" trên nền tảng Disney+ với mức phí 30 USD. Tiếp sau việc chiếu phim "Wonder Woman 1984" trên dịch vụ HBO Max (không tính thêm phí), WarnerMedia cũng đang có kế hoạch tung toàn bộ danh sách phim của năm 2021 lên nền tảng trực tuyến.
Người dùng có thể thưởng thức nhiều bộ phim bom tấn tại nhà cùng thời điểm chiếu rạp, dĩ nhiên là với mức phí cao hơn (Nguồn: Netflix)
Netflix từ lâu đã dẫn đầu xu hướng này và giờ đây, Hollywood đang cố gắng bắt kịp, mặc dù không hoàn toàn mong muốn như vậy. Chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất thế giới AMC công bố các số liệu cho thấy, lượng khán giả đến rạp trong năm ngoái đã giảm 85%, trong khi chuỗi rạp lớn thứ hai tại Mỹ Regal Cinemas thậm chí đã phải tạm đóng cửa tất cả các cơ sở trên toàn quốc.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc chỉ phát phim trên các nền tảng trực tuyến không thể giúp duy trì ngành công nghiệp điện ảnh. Tuy nhiên, các công ty mẹ của các hãng phim như Comcast, AT&T và Disney hoàn toàn không đồng ý với quan điểm này, bởi họ đã sở hữu sẵn kênh phân phối chính cho sản phẩm của mình, và có thể hưởng lợi lớn từ lượng dữ liệu người dùng đầy giá trị.
Dĩ nhiên, mức giá mà người tiêu dùng phải trả cho các dịch vụ cũng sẽ tăng lên tương ứng với lượng nội dung và tính năng mới mà họ nhận được. YouTube TV đã tăng cước phí hàng tháng thêm 15 USD hồi tháng 6 năm ngoái, trong khi Netflix cũng tăng phí đăng ký tiêu chuẩn thêm 1 USD (từ 12,99 USD lên 13,99 USD) trong tháng 10. Một nền tảng khác là Disney cũng đưa ra quyết định tương tự khi tăng mức phí sử dụng dịch vụ Disney + từ 6,99 USD lên 7,99 USD.
Khám bệnh, tập luyện từ xa
Theo công ty nghiên cứu thị trường MoEngage, số lượng lượt tải về ứng dụng tập luyện và theo dõi sức khỏe trên toàn thế giới đã tăng 46% vào nửa đầu năm 2020.
Các thiết bị tập luyện kết nối Internet, từng bị coi là xa xỉ đắt tiền, giờ đây đang dần trở thành vật dụng cần thiết khi các phòng gym đóng cửa vì dịch bệnh. Peloton, hãng sản xuất máy chạy bộ và xe đạp tập thông minh đã ghi nhận doanh thu tăng gấp ba trong quý III/2020. Sự bùng nổ mạnh mẽ của mảng kinh doanh này đã thôi thúc công ty kinh doanh trang phục thể thao nổi tiếng Lululemon có trụ sở tại Canada chi 500 triệu USD để mua lại Mirror - công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết bị thể thao tại nhà vào đầu tháng 7.
Các thiết bị tập luyện kết nối Internet, giờ là vật dụng không thể thiếu của nhiều người (Nguồn: Reuters)
Hoạt động thăm khám sức khỏe cũng chứng kiến nhiều sự thay đổi. Các bệnh viện đã tăng cường sử dụng điện thoại, video và nhắn tin để giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân COVID-19. Tại Mỹ, hồi tháng 3, chính quyền liên bang đã nới lỏng các quy định về quyền riêng tư y tế, cho phép các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể tiến hành khám bệnh qua các ứng dụng trực tuyến như FaceTime, Facebook Messenger, Zoom, Skype.
PlushCare, một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tuyến, đã ghi nhận số lượng bệnh nhân đăng ký thăm khám tăng 460% trong năm ngoái. Ông Ryan McQuaid, giám đốc điều hành của công ty, không nghĩ rằng đây chỉ là một hiện tượng mang tính ngắn hạn trong điều kiện dịch bệnh. Theo ông xu hướng này hoàn toàn có thể được tiếp nối trong tương lai, bởi các hoạt động thăm khám trực tiếp hiện tốn khá nhiều thời gian. "Trung bình mỗi người Mỹ phải mất hơn 20 phút ngồi đợi đến lượt trong phòng chờ".
Thương mại điện tử
Dịch bệnh đã buộc mọi doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt là những hãng có hệ thống cửa hàng vật lý lớn, phải thay đổi phương thức kinh doanh để cung cấp cho khách hàng những giải pháp mua sắm mới và tốt hơn.
Chẳng hạn, chuỗi bán lẻ Target của Mỹ đã ghi nhận sự bùng nổ về số lượng các đơn hàng trực tuyến, trong khi Costco báo cáo mức tăng trưởng chưa từng có trong hoạt động thương mại điện tử. Walmart đã cho ra mắt mô hình thành viên tương tự Amazon Prime có tên Walmart+ và nhanh chóng bổ sung các tính năng để theo kịp đối thủ. Shopify, công ty cung cấp dịch vụ thanh toán cho nhiều doanh nghiệp nhỏ trên mạng, đã mở rộng mạng lưới trung tâm xử lý để các doanh nghiệp có thể chuyển sản phẩm đến tay khách hàng nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Đại dịch COVID-19 tiếp tục đẩy nhanh xu hướng số hóa của các hãng bán lẻ truyền thống (Nguồn: Reuters)
Giao hàng nhanh chóng, miễn phí giờ đây đang trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà bán lẻ. Trong năm 2021, vị thế của Amazon - nhà cung cấp dịch vụ bán lẻ trực tuyến ít tốn kém nhất và thuận tiện nhất được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách từ các đối thủ. Bên cạnh đó, sức mạnh thị trường của hãng (cùng với các đại gia công nghệ khác như Google, Facebook hay Apple) cũng sẽ tiếp tục là trọng tâm giám sát của giới chức Mỹ.