ChatGPT là một phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) do công ty OpenAI phát triển, ra mắt hồi tháng 11/2022 và hiện được cho là cán mốc 100 triệu người dùng/tháng. Được mệnh danh là AI thông minh nhất thế giới, ChatGPT xử lý ngôn ngữ tự nhiên và cho phép chúng trò chuyện như con người. Một điểm đáng chú ý chính là việc tương tác dưới dạng đàm thoại và đưa ra những phản hồi rất đáng kinh ngạc. Mô hình này có thể trả lời câu hỏi, hỗ trợ trả lời mail, viết content, viết mã, viết luận.
ChatGPT được coi là chatbot thông minh hàng đầu thế giới hiện nay - Ảnh: OpenAI
Khi ChatGPT xuất hiện, người sử dụng muốn tra cứu đã trò chuyện với công cụ này thay vì tìm kiếm thông tin trên Google. Với sự hiểu biết trong nhiều lĩnh vực, các câu hỏi thắc mắc của người sử dụng đã được ChatGPT trả lời chỉ sau vài giây. Tuy nhiên, theo giới phân tích, bên cạnh những lợi thế, ChatGPT cũng đặt ra nhiều nguy cơ.
ChatGPT - Mối lo mới cho ngành giáo dục?
Nhật báo Le Figaro của Pháp đề cập đến ChatGPT, hiện tượng công nghệ đang hấp dẫn người sử dụng Internet trên toàn thế giới những ngày gần đây, với tựa đề trang nhất: Ngành giáo dục đang tìm cách chống đỡ với ChatGPT.
ChatGPT đặt ra nhiều câu hỏi cho ngành giáo dục tại Pháp - Ảnh: Getty
Theo bài viết, mới được phổ cập trong công chúng chưa được bao lâu, chương trình AI mới này có nguy cơ trở thành công cụ để các học sinh sinh viên gian lận sao chép kiến thức. Le Figaro nhận xét tuyên bố của tỷ phú Elon Musk, nhà sáng lập của công ty khởi nghiệp tạo ra ChatGPT rằng "Đây là một thế giới mới. Vĩnh biệt bài tập về nhà", không làm các nhà giáo dục có thể cười được. Từ khi chương trình hội thoại tự động này được tung lên mạng Internet hồi tháng 11 với thành công toàn cầu, các giáo sư, hiệu trưởng các cơ sở dạy học đang phải đối mặt với các hiện tượng gian lận mới trong việc làm bài tập và kiểm tra kiến thức của các học sinh sinh viên. Cấm hay cho phép sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo đang làm đảo lộn cuộc sống hằng ngày của mọi người và là một vấn đề làm đau đầu giới chức giáo dục ở Pháp. Ngành giáo dục đang cố gắng tìm ra các biện pháp để ngăn chặn tác dụng tiêu cực của ChatGPT. Nhưng vấn đề chính và khó khăn nhất là làm sao để chứng minh được việc học sinh sinh viên đã nhờ cậy vào công cụ trí tuệ nhân tạo trong các bài tập, bài viết của mình.
Nhiều chuyên gia cảnh báo ChatGPT có thể bị lạm dụng cho mục đích lừa đảo, tấn công mạng, lan truyền thông tin sai lệch và đạo văn - Ảnh: Reuters
Bài báo trích dẫn các ý kiến chuyên gia giáo dục cho rằng, việc sử dụng ChatGPT có thể làm giảm sự sáng tạo và khả năng tư duy của con người, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học tập. ChatGPT có thể tạo ra câu trả lời nhanh nhưng không giúp ích cho xây dựng các kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện.
ChatGPT có thể trở thành công cụ thúc đẩy gian lận thi cử. Khả năng làm luận văn của "siêu chatbot" này khiến các chuyên gia trong ngành giáo dục gióng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng sinh viên có thể tận dụng công cụ này để gian lận trong thi cử, đề xuất quay lại phương án thi trên giấy để đảm bảo tính công bằng cho tất cả mọi người. Việc lạm dụng AI cũng có thể khiến khả năng tư duy của con người bị thui chột.
Ảnh hưởng tới nhà đầu tư và người tiêu dùng
Bài viết trên trang Project Syndicate chỉ ra một nguy cơ khác, chính là khi AI có thể khuếch đại các tác động xã hội có hại của vốn cổ phần tư nhân. Hiện tại, một người có thể tạo ra khối tài sản khổng lồ bằng cách mua lại các công ty, đồng thời chuyển qua tư nhân hóa, sau đó cắt giảm nhân viên - trong khi trả cổ tức cao cho chủ sở hữu mới. Giờ đây, ChatGPT và các công nghệ AI khác sẽ khiến việc gây áp lực và vắt kiệt sức lao động trở nên dễ dàng hơn thông qua việc giám sát nơi làm việc, các điều kiện làm việc khắc nghiệt hơn, hợp đồng lao động không quy định về thời gian.
Tận dụng lợi thế tiếp cận tài chính dễ dàng trong thập kỷ qua, các công ty và quỹ đầu tư mạo hiểm đã rót hàng tỷ USD vào cuộc đua AI, dẫn đến việc công nghệ giờ đây có thể được sử dụng để thay thế con người trong rất nhiều hoạt động. Đây có thể là một thảm họa không chỉ đối với những người lao động, mà còn với cả người tiêu dùng và thậm chí là các nhà đầu tư.
Vấn đề đối với người lao động là rất rõ: Các công việc đòi hỏi kĩ năng giao tiếp tốt sẽ ít hơn, dẫn đến việc sụt giảm các vị trí trả lương cao. Có thể những người làm công việc dọn dẹp, lái xe và một số nghề lao động chân tay khác sẽ vẫn giữ được việc, nhưng những người khác nên lo sợ. Ví dụ như dịch vụ chăm sóc khách hàng: Thay vì tuyển dụng người thật để tương tác với khách hàng, các công ty sẽ ngày càng dựa vào các AI thế hệ mới như ChatGPT để xoa dịu những khách hàng nóng giận bằng lời lẽ thông minh, nhẹ nhàng và thuận tai. Ít công việc đầu vào hơn đồng nghĩa với việc sẽ có ít cơ hội để bắt đầu sự nghiệp – tiếp tục một xu hướng được thiết lập bởi các công nghệ kỹ thuật số trước đó.
ChatGPT có thể tạo thay đổi lớn ảnh hưởng đến trải nghiệm người tiêu dùng - Ảnh: Getty
Người tiêu dùng cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Các chatbot có thể xử lý ổn thỏa các yêu cầu phổ thông, nhưng chắc chắn không phải với các yêu cầu mà thường khiến mọi người gọi cho dịch vụ khách hàng. Khi gặp một vấn đề thực sự, chẳng hạn như một hãng hàng không ngừng hoạt động hay một đường ống nước bị vỡ trong tầng hầm của bạn, bạn sẽ muốn nói chuyện với một chuyên gia được đào tào bài bản, có trình độ và biết đồng cảm, có khả năng huy động các nguồn lực và đưa ra giải pháp kịp thời. Bạn sẽ không muốn công việc của bạn bị ngưng trệ tới 8 tiếng, nhưng bạn cũng không muốn kết nối ngay lập tức với một chatbot tuy có vẻ hiểu biết nhưng rốt cuộc lại vô dụng.
Nguy cơ gia tăng nạn lừa đảo từ ChatGPT
Các chuyên gia cũng cảnh báo ChatGPT có thể được sử dụng trong các hoạt động tội phạm trên không gian mạng. Sau khi ChatGPT xuất hiện, một số hacker đã lợi dụng khả năng viết code của chatbot này để viết các phần mềm lừa đảo nhằm tấn công và thực hiện ý đồ đánh cắp thông tin. Đáng sợ hơn, ChatGPT có thể tận dụng chính những dòng code mình tạo ra để tiến hành các phương thức lừa đảo tinh vi hơn.
Theo giới phân tích, thực tế cho thấy ChatGPT vẫn còn nhiều hạn chế như: chất lượng câu trả lời còn phụ thuộc nguồn dữ liệu đã được học; chưa cung cấp các nguồn tham chiếu của câu trả lời; chưa đáp ứng được tốt các câu hỏi yêu cầu chính xác và liên quan đến tương lai; hay mức độ cảm xúc trong các phản hồi bị giới hạn. Tuy nhiên, nếu bị lợi dụng, công cụ này vẫn có thể tạo ra các đoạn hội thạo đánh lừa người dùng.
Giao diện chương trình ChatGPT được đánh giá là dễ nắm bắt cho người dùng mới - Ảnh: Reuters
Với ChatGPT, những cuộc tấn công phishing lừa đảo, các email, tin nhắn lừa đảo cũng sẽ trở nên khó lường hơn, khi ChatGPT có thể soạn nội dung cá nhân hoá theo từng thông tin của người nhận khiến người dùng sẽ hoàn toàn mất khả năng phân biệt những nội dung có nguy cơ.
Trước những mặt trái của ChatGPT, các chuyên gia cũng khuyến cáo người dùng cần tỉnh táo để bảo vệ thông tin cá nhân, hạn chế cung cấp các thông tin liên quan đến công việc, các dữ liệu riêng tư cho những ứng dụng tương tự như Chat GPT.
theo VTV