Thể chế cho chuyển đổi số sẽ thay đổi mạnh mẽ trong năm 2022
Vấn đề thể chế cho quá trình chuyển đổi số là một nội dung được các chuyên gia chú trọng tại phiên thảo luận mở của “Chuyển đổi số và xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022” được tổ chức ngày 11/1.
Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam, ước tính Việt Nam đi chậm hơn các nước phát triển từ 5 - 8 năm về các quy định liên quan đến tài sản số, dữ liệu, thuế, kinh doanh số hay cả quy định về sandbox (cơ chế thử nghiệm có kiểm soát - PV).
Đơn cử như với quy định về sandbox, Anh đã nói đến vấn đề này cách đây 10 năm, còn ở Việt Nam mới nhắc đến 5 năm gần đây và Mobile Money hiện là sandbox duy nhất. Hay Luật về dữ liệu và bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng là một vấn đề Việt Nam đang chậm hơn thế giới, cụ thể châu Âu đã thảo luận về Quy định bảo vệ dữ liệu chung - GDPR cách đây 8 năm và ban hành quy định vào năm 2018, có hiệu lực năm 2020. Hiện chúng ta đang thảo luận về Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.
“Về các quy định với tài sản số, năm 2021 vừa qua, thế giới chọn NFT là từ khóa của năm nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa thừa nhận về tài sản số. Điều đó có nghĩa là Việt Nam tiếp tục đi chậm hơn so với thế giới”, ông Nguyễn Quang Đồng nêu quan điểm.
|
Cùng với Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, Luật Công nghiệp công nghệ số cũng là một bộ luật quan trọng được Bộ TT&TT xây dựng để góp phần hoàn thiện thể chế cho tiến trình chuyển đổi số. (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, vị Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông đánh giá: Năm 2022 sẽ là điểm nhấn lớn về thể chế cho chuyển đổi số. Bởi lẽ Bộ TT&TT đang trình lên Chính phủ xây dựng, sửa đổi 4 Luật, trong đó có 2 Luật quan trọng, đụng chạm trực tiếp đến các vấn đề của chuyển đổi số gồm: Luật Giao dịch điện tử đề cập đến chữ ký số, giao dịch số, hợp đồng số, dữ liệu số...; Luật Công nghiệp công nghệ số.
Ông Nguyễn Quang Đồng cho biết thêm, Hội Truyền thông số Việt Nam đã có khuyến nghị: Trong Luật Công nghiệp công nghệ số cần ưu tiên giải quyết 2 bài toán là cơ chế sandbox và tài sản số. Về sandbox, phải đưa vào Luật nội dung về cơ chế thí điểm, thử nghiệm có kiểm soát để trên cơ sở đó trong từng ngành sẽ có quy định riêng.
Luật cần đưa ra định nghĩa, khung pháp lý thử nghiệm cơ bản để có thể chấp nhận tài sản số, từ đó mới có thể bảo vệ được nó.
"Công nghệ blockchain đang phát triển mạnh mẽ nhưng khi tạo ra NFT lại không được thừa nhận như một tài sản. Đây là thời điểm chúng ta cần làm nhanh, khi mà ngay cả trong ASEAN, Việt Nam vẫn đi chậm hơn các nước", ông Nguyễn Quang Đồng nhấn mạnh.
Trình Quốc hội dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số vào năm 2023
Thông tin cụ thể về tiến độ xây dựng Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT cho biết, Bộ TT&TT đã xây dựng xong hồ sơ đề nghị sửa Luật, Chính phủ đã thông qua đề nghị. Hiện dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi đang được gửi sang Quốc hội để đưa vào chương trình công tác năm 2022, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về luật này tại kỳ họp tháng 10/2022.
Bộ TT&TT đang tích cực hoàn thiện dự thảo Luật giao dịch điện tử sửa đổi. "Hai vấn đề mấu chốt chúng tôi đưa vào trong dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, không có trong Luật cũ, đó là quy định về hoạt động của các nền tảng số, các dịch vụ số và giao dịch trực tuyến; quy định về dữ liệu số và giao dịch dữ liệu. Bộ TT&TT kỳ vọng Luật Giao dịch điện tử sửa đổi sẽ là Luật về việc chuyển đổi toàn bộ hoạt động truyền thống lên môi trường mạng”, ông Nguyễn Trọng Đường chia sẻ.
Đối với Luật Công nghiệp công nghệ số, theo Phó Vụ trưởng Vụ CNTT Nguyễn Thanh Tuyên, dự thảo Luật này dự kiến trình Quốc hội trong năm 2023. Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ định nghĩa lại thế nào là công nghệ số, thế nào là công nghiệp công nghệ số, từ đó tham chiếu ra các khái niệm khác như doanh nghiệp công nghệ số và các hoạt động liên quan công nghệ số cũng như việc quản lý, điều kiện thúc đẩy phát triển.
Liên quan trực tiếp đến M&A, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ đưa ra định nghĩa về tài sản số, tài sản ảo. Những giao dịch hiện giờ như tiền số có giao dịch lớn, nếu không công nhận tài sản thì không thể đánh thuế. Ở các nước như Mỹ, họ đưa ra việc quản lý tiền số dưới góc độ quản lý tài sản. Dù Luật Dân sự có quy định về tài sản, nhưng ở công nghệ số sẽ có những khía cạnh khác.
"Việt Nam có hơn 99% doanh nghiệp là nhỏ và siêu nhỏ. Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp này tiếp cận được với nguồn vốn khổng lồ từ nhà đầu tư trong nước và quốc tế?. Chúng ta coi dữ liệu là tài nguyên, nhưng tài nguyên đó nằm trong tay ai? Vậy cần quy định để người Việt Nam kinh doanh và kiếm lời trên tài sản số, thay vì những tài sản này nằm trong tay các ông lớn quốc tế. Đó là những vấn đề chúng tôi đã đưa vào dự thảo Luật. Từ góc độ về an ninh quốc gia, chúng tôi cũng có đưa ra các quy định liên quan dữ liệu về năng lượng, đất đai, bí mật kinh doanh...", ông Nguyễn Thanh Tuyên chia sẻ thêm.