Những lớp học đặc biệt
Hôm nay (5/9) là ngày tựu trường trên cả nước. Và tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, thời điểm cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 là lúc rất nhiều học sinh quay trở lại trường học.
Sẽ như thế nào nếu đứng ở cửa lớp chào đón các em học sinh không chỉ là các thầy cô giáo mà còn có những giáo viên robot, hay công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)? Có thể đây là câu chuyện khó tin 10 năm trước, giống như trên phim, nhưng đến nay, công nghệ trí tuệ nhân tạo đã được đưa vào lớp học tại rất nhiều quốc gia để giúp đỡ các thầy cô giáo và các em học sinh.
Tại giảng đường một trường Đại học ở Hong Kong (Trung Quốc), sinh viên sẽ chỉ cần đeo những thiết bị thực tế ảo để tương tác với Albert Einstein. Trên thực tế, đây là một trong hàng trăm mô hình "giảng viên AI" được tạo ra để giảng dạy, với ngoại hình, giọng nói và cử chỉ có thể được tùy chỉnh.
Mô hình "giảng viên AI" đang dần được các trường trên thế giới áp dụng
Giáo sư Hui - người đứng đầu chương tình - cũng kết hợp giảng dạy trực tiếp cùng "đồng nghiệp AI". Ông cho rằng, công cụ này đã giải phóng các giảng viên con người khỏi những phần công việc "tẻ nhạt hơn".
"Giáo dục phải luôn thúc đẩy công nghệ mới, cải tiến mới. Và làn sóng AI đang đến. Các giảng viên AI có thể mang đến sự đa dạng, khả năng nhập vai trong lớp học. Nhờ thế, chúng tôi, những giảng viên con người, có thể chăm sóc tốt hơn cho sinh viên của mình về trí tuệ cảm xúc, khả năng sáng tạo và tư duy phản biện của họ" - Giáo sư Pan Hui, Trưởng dự án AI của Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (Trung Quốc), cho biết.
Sean từng là một học sinh yếu, không phải vì năng lực kém mà vì chứng tự kỷ khiến em mất tập trung trong lớp và dễ bị chán nản. Tuy nhiên, nhờ có một loạt công cụ trí tuệ nhân tạo được trường Trung học Plymouth tại Mỹ áp dụng, những áp lực lên cả học sinh và giáo viên đều được giảm đi đáng kể. Đơn cử như Google Glass có khả năng theo dõi cử động của mắt, đồng thời cung cấp các gợi ý giúp học sinh nhận biết các tương tác xã hội khác nhau. Hay công nghệ phân tích video DeepLens của Amazon cũng được sử dụng để theo dõi phản ứng của học sinh trong suốt giờ học, sau đó phản hồi cho giáo viên về trạng thái và sự tiến bộ của các em.
Ông Richard Margolin - Giám đốc Công nghệ của công ty RoboKind - cho rằng: "Trẻ tự kỷ thường gặp vấn đề trong giao tiếp nên khó tiến bộ nếu học theo phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, các em dễ làm quen với công nghệ hơn. Tôi từng chứng kiến trẻ tự kỷ có thể theo học các lớp thông thường chỉ sau vài tháng".
Còn Phần Lan - nền giáo dục hàng đầu thế giới - cũng gây ấn tượng với việc thử nghiệm robot Elias tại các trường tiểu học thuộc thành phố Tampere. Phụ trách dạy tiếng Anh, tiếng Phần Lan, tiếng Đức, Elias là một giáo viên đặc biệt bởi sự kiên nhẫn đáng kinh ngạc và luôn sẵn sàng giảng đi giảng lại và luôn khuyến khích học sinh đặt câu hỏi. Thậm chí Elias còn có thể nhảy điệu "Gangnam Style" trong lớp để tạo không khí vui nhộn.
Nhiều trường học tại Mỹ ứng dụng AI
Một con số khảo sát đáng chú ý được Forbes công bố cuối năm ngoái cho thấy 60% các nhà giáo dục đã vận dụng công nghệ AI trong các tiết học của mình. Trong đó, công nghệ phổ biến nhất bao gồm các trò chơi giáo dục, các nền tảng học trực tuyến hoặc những con chatbot để giải đáp từng câu hỏi một của học sinh khi giáo viên không đủ thời gian để hỗ trợ từng em một.
Giáo viên không có đủ thời gian hoặc thậm chí là các trường bước vào năm học mới trong tình trạng thiếu giáo viên. Đây là một trong những động lực thúc đẩy lớn nhất để các trường học và nhà giáo dục cân nhắc việc đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo vào các lớp học như một cánh tay đắc lực cho các thầy cô.
Châu Âu thiếu giáo viên trầm trọng
Trong bối cảnh năm học mới sắp bắt đầu, 24 trong tổng số 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang phải vật lộn với tình trạng thiếu giáo viên, ảnh hưởng đến việc học của học sinh và cản trở mục tiêu mang lại nền giáo dục chất lượng cho mọi người.
Hầu hết các quốc gia EU đều phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán, giáo viên có trình độ sư phạm và bảo mẫu. Thụy Điển là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhất khi cần có thêm 153.000 giáo viên đủ tiêu chuẩn từ nay đến năm 2035.
Nguyên nhân thường là do mức lương thấp, khối lượng công việc lớn và dân số già đi. Nhiều quốc gia châu Âu đang chứng kiến thực trạng các giáo viên già đi với làn sóng nghỉ hưu dự kiến sẽ diễn ra trong vài năm tới, càng làm tăng thêm áp lực cho hệ thống giáo dục. Tình trạng thiếu hụt này khiến chính phủ nhiều nước đang tìm kiếm những biện pháp mới để gia tăng nguồn nhân lực nghề giáo.
Nhiều nhà giáo dục đã vận dụng công nghệ AI trong các tiết học của mình (Ảnh: AP)
Ông Bill Watson - Giảng viên khoa Giáo dục thuộc trường Đại học Purdue (Mỹ) - cho biết: "Tôi thực sự nghĩ rằng AI sẽ có tác động sâu sắc đến hệ thống giáo dục. Hệ thống hiện tại đang tập trung rất nhiều vào trách nhiệm của giáo viên, khi họ cùng lúc phải đảm nhiệm tất cả hoạt động bao gồm đưa ra hướng dẫn, giảng bài, nhận xét học sinh và chấm bài. Điều này tạo ra một gánh nặng rất lớn lên giáo viên trong khi học sinh thường ở trạng thái thụ động hơn. Nên chúng ta cần sử dụng AI theo một cách khác để điều chỉnh trọng tâm của hệ thống giáo dục. Đó là duy trì quá trình học tập lâu dài, phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề và tăng cường tư duy sáng tạo - những kỹ năng mềm khó có thể chấm điểm được".
Mặt trái của AI trong lớp học
Một viễn cảnh AI đồng hành cùng các thầy cô, các nhà giáo dục trên giảng đường không có gì phi lý cả, thậm chí tại một số quốc gia đây còn là giải pháp tình thế khá hiệu quả khi số lượng giáo viên không đủ đáp ứng. Mặc dù vậy, trí tuệ nhân tạo không phải lúc nào cũng "ghi điểm" trong mắt các chuyên gia giáo dục. Thậm chí, có những ý kiến cho rằng, lạm dụng công nghệ sai cách có thể gây ra những hệ quả phản giáo dục.
Refilo Majola là một sinh viên đã nhận về một bài luận bị chấm điểm 0. Lời phê của giáo viên cho điểm số này là: 100% bài luận văn này là do AI làm hộ.
Với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các phần mềm AI, như Chat GPT là một ví dụ, cũng xuất hiện ngày càng nhiều các trường hợp học sinh, sinh viên tại các nước lạm dụng công nghệ AI để làm bài thi hay viết luận, vi phạm liêm chính học thuật.
"Lấy độc trị độc", nhiều giáo viên đã phải tìm tới các phần mềm AI khác để phát hiện ra một đoạn văn có phải do AI viết hay không. Nhiều ý kiến trên mạng cho rằng, làm vậy là hợp lý, tuy nhiên, việc lạm dụng AI không đúng cách đã khiến giáo viên và học sinh rơi vào một trò chơi đuổi bắt không mong muốn.
Không phải lúc nào AI cũng tốt. Tại một trường Đại học ở Lund, Thụy Điển, các giáo viên được trao quyền quyết định xem học sinh nào mới được dùng AI để trợ giúp hoàn thành bài tập.
Bà Rachel Forsyth - Trưởng dự án AI và sinh viên của trường Đại học Lund - cho rằng: "Không hẳn là cấm đoán sinh viên dùng AI để làm bài tập mà là để các sinh viên dùng AI trong khuôn khổ cho phép. Đôi khi rất khó để phân biệt được một đoạn văn là do sinh viên viết hay AI viết, cho nên đối với các bài thi quan trọng, chúng tôi không dùng công nghệ mà dùng phương pháp truyền thống như viết tay hoặc là kiểm tra miệng".
Trong khi đó, một trường Đại học ở Hong Kong (Trung Quốc) đã ra điều luật yêu cầu sinh viên sử dụng ChatGPT trong khuôn khổ được nhà trường cho phép. AI trong trường hợp này khiến giáo viên vất vả hơn trong công tác quản lý chứ không hỗ trợ được nhiều. Cuối cùng, trí tuệ nhân tạo chỉ là những cỗ máy nhưng là những cỗ máy đắt tiền. Không phải trường học nào, lớp nào cũng có điều kiện tiếp cận được với công nghệ tối tân này trong việc giảng dạy. Theo các chuyên gia, điều đó đặt ra câu hỏi về sự công bằng trong giáo dục.
Có thể thấy, việc tận dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể đem đến nhiều lợi ích cũng như là những trợ thủ đắc lực cho các thầy cô trong việc giảng dạy và để cho học sinh có những trải nghiệm đáng nhớ. Nhưng nếu sử dụng sai cách có thể đem đến những hậu quả trái với tinh thần giáo dục.