Những đối tượng xấu có thể sử dụng thông tin cá nhân đã mua được để dàn dựng các kịch bản thực hiện hành vi lừa đảo.
Liên tiếp thời gian qua, lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều đường dây lừa đảo qua mạng. Mới đây, 7 đối tượng đã bị công an TP.HCM bắt vì liên quan đường dây lừa đảo qua facebook. Nhóm đối tượng này đã chiếm đoạt của nhiều nạn nhân hơn 10 tỷ đồng.
Công an Cần Thơ cũng cho biết đã bắt giữ 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo qua mạng xuyên quốc gia. Thủ đoạn chung của những đối tượng này là nắm rõ thông tin cá nhân, sau đó thông qua các mối quan hệ người thân, bạn bè của nạn nhân để lừa đảo.
Nạn nhân bị lừa đảo qua mạng nói: "Mình cứ nghĩ đó là câu chuyện có thật, không ngờ đó là một cái bẫy. Người ta bảo đóng phí này, phí kia, bốn lần đóng tôi mất hơn 300 triệu đồng".
Một nạn nhân bị lừa đảo qua mạng khác cho biết: "Một thời gian nói chuyện với nhau, chúng tôi có phát sinh tình cảm. Tuy nhiên, sau đó anh ta và đồng bọn đã lừa tôi một số tiền khá lớn".
Theo chuyên gia, những vụ việc lừa đảo như trên một phần nguyên nhân đến từ việc mất thông tin cá nhân. Vì từ thông tin ban đầu như số điện thoại, email, các đối tượng lừa đảo sẽ lần ra các thông tin tài khoản mạng xã hội. Qua đó, sẽ tập trung tìm hiểu kỹ về nạn nhân, chẳng hạn như bạn bè, người thân hay sở thích, thói quen sinh hoạt, rồi những địa điểm thường lui tới.
Ông Nguyễn Hữu Cường - Trưởng ban Điều hành Cộng đồng An ninh mạng Whitehat.vn cho biết: "Từ số điện thoại, các đối tượng sẽ tìm hiểu chính xác chủ nhân là ai. Từ đó, mạng xã hội sẽ cung cấp các công cụ tìm kiếm để tìm hiểu chi tiết hơn về bạn bè. Các đối tượng có thể hiểu chúng ta như những người bạn của mình".
Cũng theo các chuyên gia, một khi đã hiểu rõ về nạn nhân, các đối tượng sẽ dàn dựng kịch bản để thực hiện hành vi lừa đảo. Chẳng hạn qua Facebook, đối tượng có thể hack tài khoản của người thân, bạn bè, khéo léo tạo ra tình huống rất hợp lý như tặng quà, chuyển nhận tiền... Từ đó đánh cắp tài khoản, chiếm đoạt tiền của nạn nhân. Thậm chí, quay lại tống tiền nếu lấy được thông tin nhạy cảm.
Ông Nguyễn Hữu Cường nói: "Các đối tượng lừa đảo sẽ nhờ cá nhân nào đó nhận tiền hộ và gửi các đường link nhưng thực chất là những đường link lừa đảo. Đặc biệt, có những website giả mạo ngân hàng, nếu người dùng cả tin rằng đang nói chuyện với bạn bè hoặc người thân sẽ có thể điền các thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu cho các đối tượng biết".
Có thể thấy hậu quả của việc dữ liệu cá nhân bị mất cắp là rất nguy hại, vậy mà chỉ một đường dây mua bán phóng viên VTV điều tra mới đây đã có không biết bao nhiêu dữ liệu, thông tin cá nhân, kể cả những thông tin nhạy cảm đã bị rò rỉ và bị đem ra mua bán trên thị trường. Đặc biệt, cũng không ai dám chắc những thông tin đó lại không rơi vào tay các đối tượng lừa đảo.
(Theo ICTnews)