Cốt lõi của việc các ông lớn công nghệ như Facebook nhảy vào cạnh tranh mua bản quyền các giải đấu thể thao hấp dẫn là để thu tiền quảng cáo khi phát sóng trực tiếp trên nền tảng của họ. Ngân sách quảng cáo truyền hình ở Việt Nam chắc chắn sẽ chạy sang nền tảng Facebook là điều không tránh khỏi khi mùa Ngoại hạng Anh trên Facebook bắt đầu diễn ra từ tháng 9/2019.
Như ICTnews đã đưa, mới đây Facebook đã bỏ ra số tiền 264 triệu USD để sở hữu độc quyền bản quyền phát sóng giải đấu bóng đá đắt đỏ hàng đầu thế giới Ngoại hạng Anh (EPL) bao gồm 1.140 trận cho 3 mùa từ 8/2019 - 8/2022 tại 4 quốc gia Đông Nam Á là Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia.
Trong đó, Facebook được cho là đã chi 100 triệu USD để sở hữu độc quyền EPL tại Việt Nam, cao hơn 2,2 lần số tiền K+ và các nhà đài Việt Nam đã phải bỏ ra cách đây 3 năm để mua gói độc quyền Ngoại hạng Anh mùa giải năm 2016/2019.
Trả lời ICTnews vào sáng nay, đại diện Facebook cho biết, hiện họ chưa đưa ra bất cứ bình luận cũng như tuyên bố gì về “số phận” bản quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh tại Việt Nam.
Tuy nhiên, việc các ông lớn công nghệ như Facebook, Amazon,Netflix hay Google nhảy vào sân chơi thể thao của các chương trình phát sóng trực tiếp là câu chuyện sẽ sớm được diễn ra trong năm nay và những năm tiếp theo. Trước đây, phát sóng trực tiếp các chương trình thể thao là sân chơi riêng của các đài truyền hình. Còn từ bây giờ sẽ là cuộc chạy đua giữa những ông khổng lồ về công nghệ với vốn hóa trên thị trường lên đến hàng tỷ USD. Người Mỹ trong năm nay đã được thưởng thức giải vô địch bóng chày Mỹ qua Facebook Watch khi Facebook mua độc quyền giải đấu này.
Cốt lõi của việc các ông lớn công nghệ như Facebook khi nhảy vào cạnh tranh mua bản quyền các giải đấu thể thao hấp dẫn là để thu tiền quảng cáo khi phát sóng trực tiếp trên nền tảng của họ.
Theo số liệu thống kê về thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam: Tổng chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến năm 2017 đạt 467 triệu USD. Trong đó, doanh thu của các công ty như sau: Facebook 233 triệu USD, Google 132.3 triệu USD (tổng Facebook và Google chiếm 78% thị phần), VCC/Admicro 40 triệu USD, Vnexpress/eclick 24 triệu USD, Zing/Atima 20 triệu USD, 24H 11.5 triệu USD, các báo điện tử và công ty khác trong nước 29.3 triệu USD, các trang nước ngoài khác chiếm 10 triệu USD. (Nguồn tổng hợp từ ATNS 2017, GOOGLE-TEMASEK, YOUNETMEDIA.COM).
Nhìn vào con số này cho thấy, năm 2017, Facebook chiếm 50% doanh thu quảng cáo số ở Việt Nam. Nếu phát Ngoại hạng Anh miễn phí nữa, điều gì sẽ xảy ra: ngân sách quảng cáo truyền hình chắc chắn sẽ chạy sang nền tảng Facebook là điều không tránh khỏi.Thị phần quảng cáo của Facebook tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng phi mã kể từ năm 2019, khi mà mùa giải Ngoại hạng Anh trên Facebook bắt đầu.
Hiện nay, người dùng Facebook đang tỏ ra hào hứng vì nếu trong trường hợp Facebook phát miễn phí Ngoại hạng Anh và hút tiền từ các nhà quảng cáo thì người dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi vì lượng người online Facebook lớn, ước tính có tới 58 triệu tài khoản, xếp thứ 7 thế giới (số liệu thống kê đến tháng 4/2018).
Trên truyền hình, giá quảng cáo trên các chương trình Ngoại hạng Anh luôn có mức giá cao nhất. Tại Việt Nam và 3 nước Đông Nam Á mà Facebook mua bản quyền thì người dân đặc biệt rất thích Ngoại hạng Anh. Do đó, việc Facebook sở hữu bản quyền giải đấu hot này sẽ thu hút được quảng cáo của các nhãn hàng lên Facebook. Facebook là nền tảng dữ liệu trí tuệ nhân tạo có thể nhận biết hành vi người dùng, nên họ có thể cá thể hóa quảng cáo tới người xem là hoàn toàn khả thi. Facebook còn có thể phân tích được hành vi người dùng ngay lúc đang xem. Ví dụ, khi khán giả có các hành vi nhỏ như thích một chiếc áo cầu thủ, 1 đôi giày thì Facebook sẽ chuyển quảng cáo phù hợp đến ngay người dùng, đây là lợi thế rất lớncủa Facebook so với các nhà quảng cáo khác. Ở các trận đấu ăn khách, Facebook có thể thu tiền quảng cáo cao gấp 3-4 lần bình thường là điều có thể xảy ra.
Tại quê hương của Ngoại hạng Anh, Amazon cũng mua bản quyền Ngoại hạng Anh gói phát sóng 20 trận 1 mùa, còn các gói khác thì hai hãng truyền thông của Anh Sky và BT mua lại. Amazon được người Việt Nam biết đến là nền tảng bán hàng trực tuyến nhưng thực tế họ đã lấn sân sang mảng kinh doanh nội dung số từ lâu, trước đây họ phát phim và các chương trình giải trí và nay lấn sân sang lĩnh vực thể thao. Dự báo sắp tới sẽ có những ông lớn về công nghệ như Netflix hay Google cũng sẽ tham gia vào cuộc chiến bản quyền thể thao, cạnh tranh quảng cáo với các đài truyền hình.
(Theo ICTnews)