Facebook đã chính thức đổi tên công ty thành Meta vào ngày 28/10, nhằm tách mình ra khỏi doanh nghiệp truyền thông xã hội đang chìm trong khủng hoảng và tự thay đổi thành nhà sáng tạo hướng tới tương lai của một thế giới kỹ thuật số mới, được gọi là metaverse.
Trong bài thuyết trình trực tuyến dài 75 phút, Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đã kêu gọi người dùng nên xem xét lại suy nghĩ của họ về công ty, vốn to lớn hơn rất nhiều so với ứng dụng mạng xã hội phổ biến đang gặp phải những bê bối - một nền tảng mà sẽ tiếp tục được gọi là Facebook.
CEO Mark Zuckerberg tuyên bố đổi tên công ty thành Meta
CEO Mark Zuckerberg cho biết, công ty đang có kế hoạch tập trung vào những gì mà ông mô tả là "làn sóng điện toán tiếp theo", đó là một vũ trụ ảo - nơi mọi người sẽ được tự do di chuyển thông qua các nhân vật đại diện ảo, tham dự các cuộc họp kinh doanh ảo, mua sắm trong các cửa hàng ảo và giao lưu tại các buổi gặp gỡ ảo.
"Kể từ bây giờ, chúng tôi sẽ là metaverse đầu tiên. Không phải là Facebook đầu tiên" - CEO Mark Zuckerberg nhấn mạnh tại Connect, sự kiện hàng năm của công ty tập trung vào lĩnh vực thực tế ảo và thực tế tăng cường.
CEO Mark Zuckerberg "khoe" tên mới của công ty trên Facebook cá nhân
"Facebook là một trong những sản phẩm được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Nhưng theo đà phát triển, nó không bao gồm tất cả những gì chúng tôi đã thực hiện. Hiện tại, thương hiệu của chúng tôi được liên kết chặt chẽ với một sản phẩm đến mức nó không thể đại diện cho tất cả những gì chúng tôi đang làm" - CEO Mark Zuckerberg khẳng định.
Việc tái cấu trúc công ty Facebook thành Meta có nhiều điểm tương đồng với Google khi gã khổng lồ tìm kiếm quyết định trở thành công ty con của Alphabet. Như vậy, Meta sẽ sở hữu các dịch vụ mạng xã hội, nhắn tin như Facebook, Messenger, Instagram, WhatsApp...
Tài khoản Twitter của Facebook hiện đã được đổi tên thành Meta
Động thái này diễn ra khi Facebook "sa lầy" vào những tranh cãi về các cáo buộc cho rằng, mạng xã hội của họ đã theo dõi một cách riêng tư và tỉ mỉ các nội dung gây phẫn nộ trong thế giới thực, phớt lờ cảnh báo từ nhân viên về rủi ro trong các quyết định thiết kế và khiến các cộng đồng người dùng dễ bị tổn thương trên khắp thế giới tiếp xúc với nội dung nguy hiểm.
Sau khi có người tố cáo và tiết lộ hàng chục nghìn tài liệu nội bộ của công ty cho Quốc hội và Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ, các nhà lập pháp và nhà phê bình đã kêu gọi hành động khẩn cấp để kiềm chế gã khổng lồ công nghệ Facebook.
Những thông tin được tiết lộ bởi cựu nhân viên Frances Haugen được cho là thách thức lớn nhất đối với CEO Mark Zuckerberg và công ty của ông, vốn được xếp hạng là nền tảng mạng xã hội lớn nhất trên thế giới hiện nay. Các nhà phê bình đã nhanh chóng chỉ trích động thái này, so sánh nó với chiến lược chống khủng hoảng mà công ty thuốc lá Phillip Morris áp dụng, đó là kinh doanh thuốc lá dù biết rõ ràng rằng thuốc lá gây hại cho sức khỏe con người.