Bộ Y tế và Công ty Cổ phần Truyền thông và Giải trí Galaxy vừa phải đi xử lý những thông tin giả mạo liên quan đến mình từ một trang tin không chính thống trên Internet.
Ngày 20/3 vừa qua, thông tin “Bộ Y tế đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự bác sĩ Hoàng Công Lương” xuất hiện trên một trang tin không chính thống là Dan-nong.com đã khiến cho nhiều người bất ngờ, kể cả các cơ quan truyền thông. Tuy nhiên, ngay sau đó ngày 21/3, Bộ Y tế đã phải tổ chức một cuộc họp báo để đính chính thông tin này, bởi đây là một thông tin giả mạo (thường gọi là Fake news). Cụ thể, ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) khẳng định, đây là những thông tin sai sự thật, bịa đặt. không có công văn nào của Bộ trưởng Bộ Y tế gửi Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân bác sĩ Hoàng Công Lương.
Sự việc vừa tạm lắng xuống thì ngày 28/3, đến phiên Công ty Cổ phần Truyền thông và Giải trí Galaxy phải khẩn trương soạn Văn bản số 2803/2018/CV-GME gửi các cơ quan chức năng đề nghị xử lý việc Công ty này vừa bị giả mạo đưa thông tin bịa đặt, gây thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín và hoạt động kinh doanh. Cụ thể, trong ngày 28/3, cũng trên trang Dan-nong.com xuất hiện nội dung giả mạo trả lời phỏng vấn của bà Đinh Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông và Giải trí Galaxy liên quan đến việc phổ biến bộ phim "Điệp vụ Biển Đỏ" tại Việt Nam, trong khi đó công ty hoàn toàn không có bình luận hay trả lời phỏng vấn nào về bộ phim này.
Đây không phải lần đầu tiên Fake news xuất hiện trên các trang tin không chính thống, còn nhớ tháng 7/2017 trang phapluat.news cũng khiến cho Công ty Bkav giật mình khi đưa tin ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc Bkav bị điều tra vì xâm phạm nghiêm trọng đến An ninh quốc gia. Khi bị phát hiện là tin giả mạo, trang phapluat.news này chuyển thành phapluatso.com đưa tiếp một loạt tin giả mạo khác như ông Đinh La Thăng nộp lại hết tài sản tham nhũng sẽ thoát án, ông Đoàn Ngọc Hải được bổ nhiệm làm Phó Chánh Thanh tra TP.HCM… Trang này cũng từng đưa tin con một lãnh đạo Sở Giáo dục TP.HCM có 1000ha đất tại Long Thành (Đồng Nai)… Những tin giả đó khiến cho các cơ quan chức năng hay cá nhân liên quan phải lập tức đính chính.
Một điều khiến cho các trang phát tán tin giả này nhanh chóng được biết đến chính là nhờ mạng xã hội Facebook. Và bằng các thủ thuật đơn giản như ăn cắp nội dung giấy phép của một trang tin chính thống khác khiến cho rất nhiều người dùng mạng xã hội tin vào thông tin từ các trang này. Cụ thể, như phapluat.news hay phapluatso, dưới chân trang còn ghi hẳn là cơ quan ngôn luận của Sở Tư pháp Thành phố Hà Nội, có giấy phép Bộ TT&TT hẳn hoi đi kèm là địa chỉ tòa soạn, tương tự tờ Dan-nong.com ăn cắp thông tin giấy phép từ chuyên trang của một tờ báo chính thống khiến cho nhiều người tin đó là thông tin chính thống.
Có một vấn đề nan giải khiến cả cơ quan chức năng và các tổ chức, cá nhân liên quan rất đau đầu là tin giả được lan tỏa quá nhanh trên mạng xã hội Facebook, hàng trăm đến hàng ngàn lượt share một cách rộng rãi khiến cho uy tín của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Phải nói rằng Facebook đang là một công cụ đắc lực trực tiếp hay gián tiếp để phát tán tin giả, mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần làm việc với mạng xã hội này, tuy nhiên có vẻ như nó không có dấu hiệu thuyên giảm, thay vào đó tin giả ngày càng trở nên đa dạng hơn. Đại diện Facebook trong buổi làm việc với Bộ TT&TT trước đây cũng cho biết sẽ xây dựng một kênh riêng để giải quyết đề nghị của Bộ TT&TT trong việc ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội một cách hiệu quả hơn, tốt hơn, nhưng có vẻ như vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Về các trang đưa tin giả, đến nay cơ quan chức năng đã tìm mọi cách xử lý nhưng do các trang tin dùng tên miền và đặt máy chủ ở nước ngoài nên việc ngăn chặn không đem lại hiệu quả cao. Bởi khi phát hiện ra tên miền phát tán tin giả để chặn thì kẻ xấu lại lập ra tên miền khác, đặc biệt một số tên miền sau khi phát tán tin giả được lan tỏa xong ngay lập tức được đóng lại.
Chính vì thế, bên cạnh nỗ lực từ các cơ quan chức năng, các chuyên gia truyền thông cho rằng, người dùng Internet tại Việt Nam đặc biệt là trên mạng xã hội Facebook cần tỉnh táo trong việc tiếp nhận thông tin, phải tìm hiểu kỹ thông tin, cũng như nguồn phát của nó trước khi chia sẻ lên mạng xã hội. Với việc không chú ý và chia sẻ tin tức giả mạo, người dùng đã vô tình tiếp tay cho kẻ xấu và góp phần gây ảnh hưởng đến các tổ chức, cá nhân liên quan.
(Theo ICTnews)