Dù người dùng Việt Nam chưa thể đăng ký ChatGPT, chatbot AI của Công ty OpenAI một cách dễ dàng nhưng công cụ này đang gây ấn tượng mạnh với người dùng trong nước.
ChatGPT có tên gọi đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer, là một chatbot do Công ty trí tuệ nhân tạo OpenAI có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) tạo ra, xuất hiện lần đầu vào tháng 11-2022.
Đây là chương trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên được phát triển nhằm tạo ra một công cụ có khả năng phân tích, xử lý và hiểu ngôn ngữ con người. Ngay sau khi ra mắt công chúng, ChatGPT đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng nhờ khả năng đọc hiểu câu hỏi về nhiều lĩnh vực khác nhau và hồi đáp nhanh chóng.
Chỉ 5 ngày sau khi ra mắt, ChatGPT đã cán mốc 1 triệu người sử dụng. Tốc độ này bỏ xa các "tượng đài công nghệ" trước đó như: Instagram (2,5 tháng), Spotify (5 tháng), Dropbox (7 tháng) hay Facebook (10 tháng).
Trong những tháng gần đây, cộng đồng mạng truyền tai nhau về việc công cụ ChatGPT có thể hỗ trợ đắc lực, thậm chí thay thế nhiều vị trí cho ngành Marketing nói riêng và các ngành khác nói chung
Theo admin của nhóm Cộng đồng ứng dụng ChatGPT Việt Nam, công cụ có thể áp dụng để nghiên cứu từ khóa thịnh hành, tạo nội dung và tối ưu hóa nội dung cho mục đích quảng cáo hoặc SEO. Thậm chí, thông qua sự kết hợp của ChatGP và các công cụ AI khác, một MV ca nhạc hoặc video phim ngắn có thể được tạo ra mà không cần đến hoặc rất ít sự đóng góp của con người.
Công cụ này hoạt động giống như một cuộc hỏi đáp giữa người với người. Do đó, bên cạnh những lợi ích, chương trình máy tính này làm dấy lên những nghi ngại về gian lận trong học tập, thi cử và có độ sai lệch dữ liệu nhất định. Vì vậy mà người dùng Việt Nam cũng cần cân nhắc khi sử dụng thông tin.
Chat GPT nếu được cung cấp đầy đủ ngữ cảnh và thông tin có thể viết được các đoạn văn với mục đích quảng cáo.
Theo Minh Hạnh, nhân viên có 7 năm kinh nghiệm của Lucid Agency, hầu hết các văn bản quảng cáo trên Facebook và các nền tảng khác không quá dài, thường chỉ là một đoạn ngắn giới thiệu sản phẩm hay chương trình khuyến mãi, có thể kèm theo một phần liệt kê các tính năng sản phẩm, chính sách bán hàng ở bên dưới. Kiểu văn bản quảng cáo này khá phù hợp với cách trả lời của ChatGPT. Thậm chí ChatGPT có thể được hướng dẫn để dùng các cụm từ mà Facebook không cho phép quảng cáo.
ChatGPT cũng có thể lập kế hoạch marketing cho một sản phẩm, những thứ cần chuẩn bị cho một sự kiện ngoài trời, cách mở đầu và kết thúc cho buổi giới thiệu sản phẩm
ChatGPT có thể tương tác với người dùng như một người bạn, trả lời mọi câu hỏi của người dùng, hỗ trợ người dùng thực hiện nhiều công việc như: soạn thư, viết luận văn, viết mã, làm thơ… với ngữ pháp, ngôn từ đầy đủ và có độ chính xác khá cao. Bên cạnh đó, Chat GPT còn có tính cá nhân hóa từ dữ liệu của người dùng, điều các AI trước ít được chú trọng.
Một số hạn chế của Chat GPT đó là chỉ có thể tạo ra các nội dung dựa trên các ngữ cảnh đã được cung cấp, công cụ không có khả năng sáng tạo ra các nội dung gốc mà chỉ có thể kết hợp lại các thông tin và sửa đổi. Nếu không cung cấp đủ thông tin và ngữ cảnh, công cụ sẽ tạo ra các nội dung không chính xác hoặc vô nghĩa với người dùng.
Hiện tại, phần lớn người dùng tại Việt Nam phải sử dụng số điện thoại nước ngoài và thay đổi VPN (mạng ảo riêng) để đăng ký.