ChatGPT là chương trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên do OpenAI phát triển với khả năng trả lời gần như mọi câu hỏi của người sử dụng. Chỉ sau 2 tháng kể từ khi ra mắt, ChatGPT đã chạm mốc 100 triệu người dùng; bỏ xa các hiện tượng công nghệ khác. Cùng với sự nổi lên của ChatGPT, có không ít vấn đề xoay quanh chương trình AI này được "mổ xẻ". Đó là những câu chuyện về khả năng của công nghệ AI, tính ứng dụng hay các vấn đề pháp lý.
|
Giải mã sự thành công của hiện tượng ChatGPT
Trong khoảng một tháng trở lại đây ChatGPT tiếp tục là chủ đề được cộng đồng, bao gồm cả giới công nghệ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Trao đổi với VietNamNet về AI chatbot đang “làm mưa làm gió” này, chuyên gia Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật của Công ty NCS nhận xét: Ở góc độ công nghệ, ChatGPT không phải là đột phá so với các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) khác từng được giới thiệu.
Tuy nhiên, sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản của đội ngũ OpenAI đã giúp cho ChatGPT trở thành một hiện tượng hiếm có khi chỉ trong một thời gian rất ngắn đã có tới hơn 100 triệu người sử dụng. Đặc biệt hơn nữa, gần như không có một chiến dịch quảng cáo trả tiền nào được thực hiện để quảng bá cho ChatGPT.
“Thành công của ChatGPT theo tôi đến từ yếu tố thân thiện với người dùng khi có thể giao tiếp với ngôn ngữ gần như là giống con người và khối lượng dữ liệu khổng lồ giúp ChatGPT gần như là “Biết tuốt”, hỏi gì cũng biết, tất nhiên là trừ những vấn đề được kiểm soát như bạo lực, xâm phạm…”, ông Vũ Ngọc Sơn đánh giá.
Từ trải nghiệm thực tế và ghi nhận từ nhiều người dùng, vị chuyên gia đã có hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ này cũng cho rằng, ChatGPT có thể trở thành một người bạn, người trợ lý, người giúp việc theo mỗi nhu cầu sử dụng khác nhau của con người.
Dẫu vậy, để sử dụng được ChatGPT phục vụ cho một ngành nghề, dịch vụ cụ thể thì còn phải đi một chặng đường không phải ngắn. Ví dụ như, để ứng dụng ChatGPT làm tổng đài trả lời tự động cho một ngân hàng, cần cung cấp những thông tin đặc trưng, các quy trình cụ thể, những yếu tố khác biệt của ngân hàng để ChatGPT học, sau đó trả lời khách hàng. Việc này không phải có thể làm được ngay mà vẫn cần có sự hỗ trợ từ đội ngũ OpenAI hỗ trợ, mở các API tích hợp cho ngân hàng. Tương tự như vậy, với dịch vụ giải đáp pháp luật, đặc biệt các luật có khả năng chồng lấn, hoặc các luật có tính linh hoạt khi áp dụng sẽ cần phải có những kinh nghiệm nhất định từ tình hình thực tế.
“Nói một cách dễ hiểu thì ChatGPT có thể giải quyết được 80% các vấn đề về hỏi đáp kiến thức, nhưng 20% còn lại thì vẫn cần sự tham gia của con người, đặc biệt là những người có kinh nghiệm. Sự ra đời của ChatGPT cũng sẽ kéo theo một cuộc đua mới về AI giữa các hãng công nghệ lớn trên thế giới. Điều này cũng hứa hẹn người dùng sẽ có được nhiều lựa chọn tốt hơn”, ông Vũ Ngọc Sơn nêu quan điểm.
Doanh nghiệp Việt có thể hưởng lợi từ làn sóng ChatGPT
Cũng theo phân tích của chuyên gia Vũ Ngọc Sơn, với những câu hỏi về kiến thức phổ thông, ChatGPT có thể thay thế được con người trong việc giải đáp. Song với những kiến thức cần tổng hợp, kinh nghiệm và có thể cả sự sáng tạo để xử lý thì ChatGPT chưa thể thay thế được con người.
Dù vậy, cần lưu ý rằng, các thuật toán AI đang cho thấy những bước tiến bộ rất nhanh. Giống như trước đây chúng ta từng băn khoăn máy tính có thể đánh cờ thắng con người được không, đặc biệt trong môn cờ vây. Thực tế đã cho thấy, rất nhanh sau khi các phiên bản đầu tiên thất bại trước con người, máy tính đã nhanh chóng san bằng khoảng cách, sau đó vượt qua con người trong các môn cờ. Cũng vì thế, chưa thể nói trước được về khả năng của AI cũng như các ứng dụng AI.
Hiện tại, AI đang theo hướng cố gắng mô phỏng theo suy nghĩ của con người, nếu nhìn theo hướng này thì AI dường như sẽ không bao giờ bắt chước được 100%, như vậy sẽ không thể thay thế được con người hoàn toàn. Tuy nhiên, máy tính và công nghệ lại có những lợi thế rất lớn về khả năng truy xuất bộ nhớ cũng như năng lực tính toán tốc độ siêu cao, khả năng phản ứng lại với một vấn đề cụ thể có thể sẽ nhanh hơn con người.
“Cá nhân tôi cho rằng, lĩnh vực tổng đài trả lời, giải đáp, tư vấn có lẽ là lĩnh vực đầu tiên bị ảnh hưởng từ làn sóng ChatGPT và các công cụ sử dụng AI”, ông Vũ Ngọc Sơn nói.
Lời khuyên với người dùng nói chung là nên đón nhận những điểm tốt đẹp mà ChatGPT cũng như các công cụ công nghệ mang đến là tính tiện lợi, tốc độ và tính sẵn sàng. Đồng thời, rèn luyện khả năng xử lý các thông tin mà các công cụ này đưa ra. Thay vì dễ dàng chấp nhận, dùng luôn, cần có khả năng nhận biết đúng sai, như vậy công cụ sẽ chỉ là hỗ trợ chứ không định hướng, thay đổi được suy nghĩ của chúng ta.
Nhận định ChatGPT là một sự kiện quảng bá miễn phí cho toàn bộ giới công nghệ trên thế giới, chuyên gia Vũ Ngọc Sơn cho rằng, các doanh nghiệp công nghệ Việt nhờ thế cũng được hưởng lợi.
Cụ thể, nhờ ChatGPT mà những người không liên quan đến công nghệ có thể hiểu và thích thú với các kết quả mà AI có thể tạo ra, mang lại cho con người. Nếu tận dụng được làn sóng này, các doanh nghiệp cho ra mắt các sản phẩm ứng dụng AI sẽ được người dùng tiếp nhận nhiệt tình hơn trước đây. Tuy nhiên, sự thành công của ChatGPT cũng có thể khiến cho các sản phẩm chưa hoàn thiện hoặc chưa thực sự xuất sắc dễ bị so sánh, đánh giá và loại bỏ nhanh.
“Đây cũng là động lực để các doanh nghiệp phải đẩy nhanh quá trình hoàn thiện sản phẩm, nâng cao chất lượng thuật toán để cho ra đời các sản phẩm thực sự tốt hơn”, Giám đốc kỹ thuật của Công ty NCS nhấn mạnh.