Hệ thống Content ID của YouTube bị lợi dụng?
Theo Sách trắng "Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam 2021", số lượng doanh nghiệp nội dung số tăng mạnh những năm qua, từ 2.700 vào năm 2016 lên gần 4.200 vào năm 2020. Doanh thu ngành công nghiệp nội dung số cũng tăng từ 739 triệu USD năm 2016 lên 888 triệu USD năm 2020. Sản phẩm nội dung số được xuất khẩu ra nước ngoài tăng trưởng đáng kể lên 710 triệu USD năm 2020.
Đặc biệt trong ngành giải trí trực tuyến, một số doanh nghiệp nội dung số Việt Nam đã có những sản phẩm nằm trong top đầu khi cung cấp ra thị trường nước ngoài như: game Flappy Bird, Axie Infinity hay phim hoạt hình Wolfoo…
Tuy nhiên, khi kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, thâm nhập thị trường toàn cầu, không ít doanh nghiệp Việt phải đối mặt vô số khó khăn, trong đó có thể kể đến là những kẽ hở của hệ thống Content ID trên YouTube dẫn đến một số kẻ doanh nghiệp để cạnh tranh không lành mạnh, nhằm triệt hạ đối thủ.
Trong nghiên cứu đăng tải trên Electronic Frontier Foundation (EFF), bà Katharine Trendacosta, Giám đốc Chính sách và Hoạt động tại EFF cho rằng YouTube tạo ra quy trình cực kỳ phức tạp cho Content ID để miễn trừ trách nhiệm và những nhà sáng tạo nội dung sẽ phải tự giải quyết khi có rắc rối về bản quyền.
Do là hệ thống tự động, Content ID của YouTube vẫn để xảy ra nhầm lẫn trong quá trình ghi nhận bản quyền.
Anh Bùi Minh Tuấn - một YouTuber có kinh nghiệm cho hay: "Vì YouTube luôn đặt vai trò của người sáng tạo nội dung lên hàng đầu, bảo vệ họ gần như tuyệt đối nên có thể dẫn đến tình trạng "chém nhầm hơn bỏ sót". Trong trường hợp nhận được đơn khiếu nại gửi đến, ngay lập tức YouTube có phản ứng gỡ video sau đó mới yêu cầu các bên gửi giấy tờ chứng minh để hậu kiểm. Bởi vậy, không thể tránh khỏi những vụ "oan sai" mà nhà sản xuất nội dung phải gánh chịu thiệt hại nghiêm trọng".
Phim hoạt hình Việt bị cạnh tranh không lành mạnh trên YouTube
Vụ việc mới đây về bản quyền nhân vật hoạt hình Wolfoo là một ví dụ nổi bật về việc doanh nghiệp nội dung số lợi dụng chính sách của YouTube.
Công ty Anh Entertainment One UK Limited (có trụ sở tại London, Anh) và một doanh nghiệp Anh khác là Astley Baker Davies Limited, đồng sở hữu sản phẩm Peppa Pig. Trong khi đó, Sconnect (trụ sở ở Hà Nội) là chủ sở hữu của sản phẩm Wolfoo - bộ nhân vật và hàng loạt phim hoạt hình với nội dung về chú sói Wolfoo.
Studio Việt tạo ra series phim hoạt hình Wolfoo
Đến nay, Sconnect đã có chứng nhận bản quyền hình ảnh bộ nhân vật Wolfoo tại Việt Nam; chứng nhận bản quyền hình ảnh bộ nhân vật Wolfoo tại Mỹ (với 20 nhân vật); chứng nhận bản quyền kịch bản phim hoạt hình Wolfoo tại Việt Nam; chứng nhận bản quyền phim hoạt hình Wolfoo tại Việt Nam. Ngoài ra, Sconnect đăng ký nhiều nhãn hiệu Wolfoo tại Việt Nam; Nga; Mỹ và EU từ nhiều năm trước đây.
Thế nhưng, theo Sconnect, từ cuối năm 2021 tới nay, EO lợi dụng kẽ hở của YouTube liên tục có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chơi xấu đối với Sconnect khiến doanh nghiệp Việt chịu thiệt hại nặng nề. Các hành vi sai phạm của EO có thể được chia làm 4 nhóm gồm: Đánh bản quyền không có căn cứ; đánh bản quyền bằng căn cứ không hợp pháp; đánh bản quyền bằng chính nội dung Wolfoo của Sconnect và sử dụng nhãn hiệu Wolfoo trong các video Peppa Pig.
Từ tháng 2/2022, EO đã nộp đơn khởi kiện Sconnect tại Vương quốc Anh với các cáo buộc phim hoạt hình Wolfoo vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của phim hoạt hình Peppa Pig và liệt kê 91 video kèm theo đơn khởi kiện. Dù đến nay chưa được tòa án Anh thụ lý, nhưng EO vẫn sử dụng đơn kiện một phía để đánh bản quyền rất nhiều các video Wolfoo, bao gồm cả các video trong và ngoài đơn khởi kiện mà EO đã nộp và YouTube vẫn chấp nhận gỡ toàn bộ các video bị đánh bản quyền, kể cả các video không liên quan đến đơn khởi kiện.
Trước đó, ngày 11/1/2022, EO cũng đã nộp đơn khởi kiện Sconnect ra Tòa án Moscow (Nga) liên quan đến vấn đề bản quyền của phim hoạt hình Wolfoo và Peppa Pig.
Ngày 7/7/2022, Tòa án Moscow đã ra phán quyết: "Buộc EO không còn quyền khiếu nại, khiếu kiện về nội dung bộ nhân vật Wolfoo là làm lại bộ nhân vật Peppa Pig". Thế nhưng, YouTube vẫn tiếp tục khóa hơn 1.000 video phim hoạt hình Wolfoo, gây thiệt hại lớn cho Sconnect.
Theo Luật sư Phạm Văn Anh, YouTube có trách nhiệm trong việc ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của EO. Khi Sconnect đã được Tòa án Nga công nhận là chủ sở hữu hợp pháp của bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo thì YouTube, các trang mạng xã hội toàn cầu không được phép công nhận các yêu cầu đánh bản quyền của EO đối với các video Wolfoo, đồng thời phải có các biện pháp xử lý như xóa tài khoản, chặn yêu cầu của EO do các hành vi xấu của EO gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp Việt.