Báo cáo các nội dung xấu độc là một thói quen tích cực trong sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên, đây mới chỉ chỉ là hành động mang tính chất hỗ trợ, giúp đỡ nền tảng. Trách nhiệm cao nhất vẫn là ở các nền tảng mạng xã hội.
Các nước đang có nhiều biện pháp để gây sức ép cho các mạng xã hội hành động quyết liệt hơn vì một môi trường mạng lành mạnh.
Cuối năm ngoái, Quốc hội Singapore đã thông qua đạo luật Tăng cường an toàn trực tuyến. Một trong những điểm quan trọng của đạo luật này đã yêu cầu các công ty truyền thông xã hội phải hành động ngay "trong vòng vài giờ" khi có những báo cáo từ các phụ huynh, học sinh và người dùng mạng xã hội. Quy định này đã đem lại quyền lực thực sự cho người dùng mạng xã hội khi họ thấy được những báo cáo, phản hồi của mình được xử lý ngay.
Tại Indonesia, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ nước này đã ký kết thỏa thuận với Twitter nhằm thiết lập giáo trình và mô hình học tập nhận thức sử dụng mạng xã hội, cho các đối tượng là học sinh, giáo viên. Chương trình không chỉ định hướng và điều chỉnh cách ứng xử phù hợp trên không gian mạng, mà giúp học sinh và phụ huynh biết sử dụng các quyền phản hổi, quyền báo cáo, nâng cáo trách nhiệm đấu tranh với cái xấu trên không gian mạng.
Nhìn chung, các quốc gia luôn tìm cách gia tăng tối đa quyền và khả năng của người dùng để có thể đấu tranh hiệu quả với nội dung xấu, tiêu cực trên không gian mạng. Tuy nhiên, tìm kiếm sự hợp tác của các công ty công nghệ cũng không phải là điều dễ dàng.
Anh Doanh Kỹ - Nhà cung cấp dịch vụ truyền thông số - cho biết: "Bên cạnh trí tuệ nhân tạo (AI), các nền tảng mạng xã hội cần có người đại diện làm việc với các cơ quan chức năng sở tại. Chỉ điều đó mới có thể nhanh chóng xử lý các nội dung xấu độc".
Mỗi quốc gia có cách làm khác nhau để đạt được mục tiêu thúc đẩy người dùng mạng xã hội triệt để sử dụng quyền của mình, để đấu tranh với các loại tin giả, thông tin xấu độc hay các hành vi "lệch chuẩn" trên mạng xã hội.