Các nhà sản xuất nội dung số không chỉ phải đầu tư lớn chi phí mua bản quyền và sản xuất nội dung mà còn phải đầu tư không nhỏ để nâng cấp hệ thống cũng như xây dựng đội ngũ chuyên giám sát, ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm bản quyền.
Ngày 19/9/2018, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số do Cục Bản quyền tác giả (COV) phối hợp với Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (K+) và Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc (KCC) tổ chức. Mục đích của Hội thảo này nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có quyền của tổ chức phát sóng và đưa ra các giải pháp hữu hiệu, tăng cường hiệu quả hoạt động chống vi phạm bản quyền trong môi trường số.
Hội thảo đã nghe các ý kiến chia sẻ về hành lang pháp lý bảo vệ bản quyền trên môi trường số của Việt Nam, kinh nghiệm bảo vệ bản quyền của Tập đoàn Canal+, VTV, K+, Đài truyền hình SBS Contents Hub, Hàn Quốc. Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, Hội truyền thông số Việt Nam cũng chia sẻ những thông tin về hành vi vi phạm bản quyền các giải đấu thể thao trên Internet.
Theo các ý kiến tại Hội thảo, Việt Nam đã có được hệ thống các quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại quốc gia và hội nhập quốc tế. Các cam kết tham gia WTO của Việt Nam, các điều ước quốc tế đang có hiệu lực tại Việt Nam đã và đang từng bước được thực hiện có kết quả, bảo vệ được quyền lợi của công dân và thực hiện nghĩa vụ pháp lý khi sử dụng tác phẩm của công dân, pháp nhân các nước thành viên.
Mặc dù vậy kỷ nguyên số và Internet đã và đang đem lại nhiều cơ hội, dễ dàng tiếp cận đến tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vào bất kỳ thời gian nào, địa điểm nào do người xem tự lựa chọn nhưng cũng đặt ra cho những đơn vị sản xuất nội dung số những thách thức làm thế nào để bảo hộ được quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và quyền của tổ chức phát sóng nói riêng trong môi trường số, Internet.
Theo ông Stephane Baumier, Phó Tổng giám đốc K+, Truyền hình K+ đã nỗ lực ứng dụng các công nghệ tiên tiến cung cấp cho khán giả Việt Nam dịch vụ truyền hình trả tiền đẳng cấp trên cả nền tảng DTH và OTT với chất lượng âm thanh và hình ảnh kĩ thuật số vượt trội.
Đặc biệt, K+ còn là đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đang sở hữu bản quyền phát sóng các giải thể thao hấp dẫn nhất hành tinh và có giá trị lớn như giải bóng đá Ngoại hạng Anh, 2 giải bóng đá hàng đầu Châu Âu là Champions League và Europa League; Hệ thống các giải tennis ATP…
Việc có được các bản quyền phát sóng lớn nói trên cũng khẳng định được uy tín của K+ trên thị trường truyền hình quốc tế. Trước đó, khán giả Việt Nam đã phải chịu thiệt thòi khi không được xem 2 giải bóng đá hàng đầu Châu Âu là Champions League và Europa League trong 1 khoảng thời gian do vấn đề vi phạm bản quyền. Truyền hình K+ đã nỗ lựa mang lại 2 giải đấu này cho người hâm mộ Việt Nam từ cuối mùa giải vừa qua đến hết mùa giải 2020/2021.
Vì vậy, ngoài khoản phí bản quyền lớn đã bỏ ra, K+ cũng phải đầu tư không nhỏ để nâng cấp hệ thống cũng như xây dựng đội ngũ chuyên giám sát, ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm bản quyền. Song rất khó có thể giải quyết triệt để vấn nạn này nếu không có sự hợp tác từ người người sử dụng và sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chức năng.
Ông Stephane Baumier cho rằng, những hội thảo về bản quyền sẽ giúp nâng cao ý thức tôn trọng bản quyền với người dùng đồng thời giúp các cơ quan chức năng và đơn vị kinh doanh có được những giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm bản quyền từ đó tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức phát sóng và cũng là đảm bảo quyền được tiếp cận và thụ hưởng các chương trình phát sóng hợp pháp có giá trị và đẳng cấp cho khán giả.
(Theo ICTnews)