Vụ tấn công mạng bằng mã độc tống tiền khiến 800 cửa hàng của chuỗi siêu thị Coop ở Thuỵ Điển phải đóng cửa gần đây chỉ là một trong số hàng loạt cuộc tấn công mạng nhằm vào những cơ quan, tổ chức và công ty Mỹ đang chiếm sóng trên trang nhất các báo thời gian qua.
Mới đây nhất, vụ tấn công bằng mã độc tống tiền nhằm vào công ty công nghệ Mỹ Kaseya đã ảnh hưởng khoảng 800-1500 doanh nghiệp trên khắp thế giới. Đối tượng bị ảnh hưởng chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ như phòng khám răng văn phòng kế toán. Nhóm tin tặc đã yêu cầu 70 triệu USD để khôi phục tất cả dữ liệu của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Ông Fred Voccola, CEO của Kaseya, cho biết: "Mức độ tinh vi ngày càng gia tăng và họ có thể thực hiện tống tiền mà không quá lo ngại bị bắt là bởi các loại tiền ẩn danh đang tồn tại. Ví dụ, nếu đòi một trăm nghìn USD tiền chuộc chuyển vào tài khoản ở ngân hàng JP Morgan Chase, FBI sẽ tìm ra họ ngay. Thế nhưng nếu bỏ tiền vào ví điện tử thì tin tặc hoàn toàn tự do".
Theo các chuyên gia, điều đáng lo ngại là các cuộc tấn công gần đây ngày càng táo tợn và nhắm đến các đối tượng có quy mô lớn hơn. Một khi chuỗi cung ứng công nghệ của các công ty nạn nhân bị ảnh hưởng, thiệt hại sẽ lan rộng sang nhiều công ty khác, đây là hệ luỵ đáng lo lắng hơn cả.
Ông Robert M.Lee, Trưởng ban điều hành của Cybersecurity Firm Dragos, nhận định: "Nếu bạn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, bạn cũng cần chuẩn bị trước cho những vụ tấn công như thế này. Cần phải có nhận thức tốt hơn và các cuộc thảo luận về chính sách khi sử dụng dịch vụ điện toán đám mây".
Chỉ trong nửa đầu năm nay, các cuộc tấn công mạng quy mô lớn nhỏ đang lan rộng khắp thế giới. Ngay trong tháng 5 đã xảy ra 2 vụ tấn công lớn, một nhằm vào Colonial Pipeline- nhà điều hành đường ống dẫn dầu ở Bờ đông nước Mỹ và gây ra tình trạng thiếu xăng, tăng giá nhiên liệu kéo dài 1 tuần. Thứ hai, là JBS USA- nhà cung cấp thịt lớn nhất thế giới khiến công ty phải tạm ngừng hoạt động tại 10 nhà máy trên toàn cầu.
Các vụ tấn công mạng sử dụng mã độc thường được thực hiện theo phương thức mã hóa để cô lập dữ liệu trong hệ thống và đòi nạn nhân phải trả tiền chuộc. Theo công ty an ninh mạng Emsisoft, năm ngoái, các tin tặc có thể đã kiếm được khoảng 18 tỷ USD tiền chuộc kiểu này.