Rất khó để chỉ ra từ khi nào chúng ta mất quyền kiểm soát những gì chúng ta xem, đọc và thậm chí suy nghĩ vào tay các mạng xã hội lớn nhất thế giới.
Đó có thể là năm 2016, năm mà Twitter và Instagram quyết định gia nhập cùng Facebook và YouTube trong thế giới thuật toán. Họ thiết kế thuật toán để duy trì sự chú ý của chúng ta lâu nhất có thể. Họ quảng bá các nội dung mà con người có xu hướng bấm vào, chia sẻ hay “thả tim”, chôn vùi mọi thứ còn lại. Cùng lúc này, Facebook ẩn cài đặt chuyển Bảng tin về hiển thị “Gần đây nhất”.
Bạn có thể cho rằng nó không phải chuyện gì to tát. Tuy nhiên, các thuật toán này không chỉ quảng bá những nội dung giải trí, chúng còn khuếch trương nội dung như tấn công, xuyên tạc, thuyết âm mưu.
Giáo sư khoa học máy tính Hany Farid đến từ Đại học California nhận định: “Có những kẻ xấu đang làm điều xấu trên Internet – Qanon, da trắng thượng đẳng. Facebook, YouTube và các mạng xã hội khác phóng đại nó”.
Những kịch bản tồi tệ nhất không còn là giả thuyết. Mọi người được xem thứ hấp dẫn nhất với họ, họ bấm vào, họ đọc, họ xem, họ rơi vào “hang thỏ” nơi củng cố những suy nghĩ và ý tưởng của họ, họ kết nối với những người cùng suy nghĩ. Họ kết thúc bằng thực tại phiên bản cá nhân hóa. Cuối cùng, họ tới Đồi Capitol.
Chắc chắn, mạng xã hội không phải điều đáng trách duy nhất, robot cũng vậy. Quyết định buộc Tổng thống Trump phải “im lặng” trên Facebook, Twitter cho thấy chính những con người đang điều hành công ty có tiếng nói sau cùng về cái được và không được xuất hiện.
Trọng tâm của vấn đề nằm ở công nghệ: Máy tính chịu trách nhiệm cho những gì chúng ta nhìn thấy nhưng chúng vận hành không minh bạch. Giải pháp cho chuyện này không hề đơn giản. Nhà báo Joanna Stern của Thời báo Phố Wall đưa ra ba ý tưởng.
1. Không thuật toán, không quảng cáo
Mark Weinstein, nhà sáng lập mạng xã hội “anti Facebook” MeWe, hiểu rõ ý tưởng này: đó là quay lại bảng tin thuần túy theo thời gian, không có sự can thiệp.
Trên MeWe, bạn cũng theo dõi bạn bè, trang hay hội nhóm. Bài viết xuất hiện trên bảng tin ngay khi nó được đăng. Không ai, dù là nhà quảng cáo, nhà tiếp thị, nhà hoạt động chính trị… có thể trả tiền để quảng bá nội dung lên trên bảng tin của người khác. Theo ông, nó sẽ hạn chế lan truyền thông tin sai sự thật.
Dù vậy, vài tuần gần đây, khi nhóm người cực hữu tìm kiếm mạng xã hội thay thế Facebook, Twitter và Parler, họ đã tìm tới MeWe, nền tảng đang có 15,5 triệu người dùng. Ông Weinstein cho biết công ty đầu tư mạnh vào kiểm duyệt và điều khoản dịch vụ cũng rất rõ ràng: Bạn sẽ bị “đá” nếu kích động bạo lực, đăng nội dung phi pháp… MeWe cũng liên hệ với Apple, Google, Amazon để bảo đảm ứng dụng đáp ứng hướng dẫn của họ.
Vấn đề với bảng tin không theo thuật toán nào cả đó là người dùng sẽ bị nội dung nhấn chìm, khó phân loại. Đây là lý do mà Twitter, Facebook, Instagram từ bỏ bảng tin theo dòng thời gian.
MeWe giải quyết vấn đề bằng các bộ lọc và công cụ để quản lý bảng tin. Bạn có thể phân loại theo danh bạ, nhóm và trang. Do không có quảng cáo mục tiêu, MeWe cũng không thu thập dữ liệu người dùng liên tục.
2. Giảm ưu tiên nội dung phá hoại
Song đối với các công ty phụ thuộc vào quảng cáo, loại bỏ thuật toán chẳng khác nào dạy động vật làm thơ. Thay vào đó, chuyên gia gợi ý các nền tảng nên nghiêm túc về chuyện giảm ưu tiên nội dung kích động, bạo lực, thuyết âm mưu, ưu tiên nội dung đáng tin cậy, sâu sắc, uy tín ngay cả khi chúng đồng nghĩa với tương tác giảm.
Có bằng chứng cho thấy nó hiệu quả. Trong nghiên cứu tháng 3/2020, Giáo sư Farid và một số đồng nghiệp nhận thấy YouTube thực tế đã giảm quảng bá video thuyết âm mưu sau khi thay đổi thuật toán gợi ý. Facebook cũng làm điều tương tự. Vài tuần trước bầu cử Mỹ 2020, Facebook và Instagram đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế lan truyền thông tin mà thuật toán xác định khả năng là tin giả, trong đó có tuyên bố sai lầm về gian lận phiếu bầu. Kết quả là nguồn tin đáng tin cậy được tăng cường.
Trong khi đó, theo nền tảng phân tích truyền thông Zignal Labs, thông tin về gian lận bầu cử trên Twitter giảm mạnh sau khi đình chỉ tài khoản của Tổng thống Trump.
Nhà chức trách cũng tham gia trong cuộc chiến này. Ngoài các vụ kiện chống độc quyền, họ còn kêu gọi buộc các mạng xã hội chịu trách nhiệm trước thuật toán của mình.
3. Trả quyền kiểm soát cho người dùng
Ít nhất, Facebook cũng cung cấp một số thông tin vì sao bạn lại nhìn thấy gì đó trên Bảng tin. Chỉ cần bấm vào biểu tượng ba chấm tròn trên bất kỳ bài viết nào và chọn “Vì sao tôi nhìn thấy bài này”.
Một số dịch vụ cho phép người dùng chọn theo dõi bảng tin kiểu cũ, theo dòng thời gian. Dù vậy, các cài đặt này bị ẩn đi và không dễ tìm thấy.
Facebook: Trên trình duyệt web, cuộn trình đơn bên trái, chọn “Xem thêm” rồi chọn “Gần đây nhất”. Trên ứng dụng, bấm vào ba đường kẻ ở trên hoặc dưới cùng màn hình, tìm “Gần đây nhất”. Lưu ý, sau khi thoát khỏi ứng dụng và mở lại, bạn phải cài đặt lại từ đầu.
Twitter: Bấm vào biểu tượng ngôi sao nhỏ ở góc phải bên trên website và ứng dụng, chọn “Xem Tweet mới nhất” thay vì “Tweet nổi bật”.
YouTube: Bạn không thể tắt toàn bộ thuật toán gợi ý song có thể chuyển sang “Video mới nhất” trong mỗi danh mục hoặc từ khóa tìm kiếm. Bạn cũng có thể tắt tính năng phát tự động.
TikTok: Bên cạnh mục For You là mục Following, chỉ hiển thị những người bạn theo dõi trên ứng dụng.
Instagram: Bạn không thể làm gì với thuật toán của Instagram. Người phát ngôn Facebook giải thích bảng tin kiểu cũ khiến mọi người bỏ lỡ 70% cập nhật, gần một nửa là từ bạn bè, gia đình. Sau khi điều chỉnh thuật toán, trung bình mọi người xem được hơn 90% bài viết của bạn bè.
Du Lam (Theo WSJ)