Một tên lửa còn sót lại trong không gian, dài khoảng 12 m và đường kính 3 m, sẽ lao vào nửa không nhìn thấy được của mặt trăng (bán cầu của mặt trăng luôn quay lưng lại Trái đất) vào ngày 4/3.
Tuy nhiên, kính thiên văn sẽ không thể nhìn thấy nó, nghĩa là có thể mất nhiều tháng để xác nhận tác động của vụ va chạm bằng cách sử dụng các hình ảnh vệ tinh.
Vụ va chạm dự kiến sẽ tạo ra một hố có chiều ngang lên tới 20 m và khiến bụi mặt trăng bay xa hàng trăm dặm.
Tập đoàn công nghệ khai phá không gian (SpaceX) của tỷ phú Elon Musk ban đầu coi đây là nguồn gốc của rác không gian sau vụ va chạm lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 1 bởi nhà theo dõi tiểu hành tinh Bill Gray.
"Tôi thực sự không thấy bất kỳ cách nào để giải thích cho việc này", ông Bill Gray nói. Tuy nhiên, ông Grey đã tự đính chính vào tháng 2, thừa nhận rằng vật thể đó không phải là tên lửa SpaceX Falcon ở tầng trên từ lần phóng đài quan sát khí hậu không gian sâu của NASA vào năm 2015.
Mặt trăng phải đối mặt với một loạt vụ va chạm từ các thiên thạch, tiểu hành tinh và đô khi là tàu vũ trụ. (Ảnh: Live Science)
Thay vào đó, nhà toán học và vật lý học này kết luận, đây là tầng thứ 3 của một tên lửa Trung Quốc đã gửi một mẫu thử nghiệm lên mặt trăng vào năm 2014.
Ông Bill Gray nói với hãng tin Associated Press: "Tôi đã trở nên thận trọng hơn đối với những vấn đề như vậy, nhưng tôi thực sự không thấy nó có thể là bất cứ điều gì khác".
Vào tháng 2, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, tầng trên của tên lửa được đề cập đã quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất và bốc cháy.
Tuy nhiên, có hai sứ mệnh của Trung Quốc với các mục tiêu tương tự gồm chuyến bay thử nghiệm và sứ mệnh trả mẫu mặt trăng và có thể hai sứ mệnh này đang bị lẫn lộn.
Lực lượng Không gian Hoa Kỳ đã nói rằng, tầng trên của tàu không gian Trung Quốc từ sứ mệnh lên mặt trăng năm 2014 chưa bao giờ bay lệch quỹ đạo.
Mặt trăng có nhiều hố thiên thạch, lớn nhất trong số đó được cho là dài 1.600 dặm (khoảng 2.575 km). Mặt trăng phải đối mặt với một loạt vụ va chạm từ các thiên thạch, tiểu hành tinh và thi thoảng là tàu vũ trụ. Mặt trăng cũng không có thời tiết nên các hố va chạm này tồn tại mãi mãi.
Theo ông Gray, vấn đề rác không gian không chỉ giới hạn ở Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác.
Vào tháng 11/2021, Nga đã bị chỉ trích vì một vụ thử vũ khí "liều lĩnh và vô trách nhiệm", tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ không gian và gây nguy hiểm cho 7 phi hành đoàn trên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Các phi hành gia trên trạm vũ trụ đã phải thực hiện một số "thao tác tránh" trong những năm gần đây để ngăn nó bị rơi bởi rác không gian.