Mặc dù Việt Nam đã gia nhập 7/8 Điều ước quốc tế về quyền tác giả và quyền liên quan, nhưng vẫn nằm trong top ba của khu vực có tỷ lệ vi phạm bản quyền cao. Có tới 15,5 triệu người truy cập thường xuyên các website lậu, với nội dung vi phạm bản quyền chủ yếu là chương trình truyền hình, phim, nhạc và sách, đặc biệt là các chương trình bị "biến tướng" theo nhiều hình thức.
Nhiều bộ phim được phát sóng trọn vẹn trên những website trái phép
"Các hành vi xâm phạm bản quyền trên không gian mạng rất nghiêm trọng và tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau. Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định rõ ràng về hành vi xâm phạm đối với tác giả (Điều 28) và đối với quyền liên quan (Điều 35) bao gồm bản ghi âm, bản ghi hình, chương trình phát sóng", Luật sư Lê Quang Vinh, Giám đốc Công ty sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự cho biết.
Luật sư Lê Quang Vinh, Giám đốc Công ty sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự chia sẻ về vấn đề vi phạm bản quyền tại Việt Nam hiện nay
Theo ông Vinh, việc khởi tố hình sự vẫn gặp nhiều khó khăn do tính chất của vi phạm thường chỉ được xem là vi phạm dân sự hay vi phạm hành chính. Theo Điều 226 trong Bộ luật Hình sự quy định việc hình sự hóa hành vi vi phạm bản quyền đòi hỏi phải có đủ ba yếu tố. Thứ nhất, lỗi cố ý của chủ thể thực hiện hành vi. Thứ hai, hành vi vi phạm phải liên quan đến các quyền tài sản như quyền sao chép độc quyền và quyền phân phối độc quyền. Thứ ba, hậu quả của hành vi phải đạt quy mô thương mại, với giá trị thiệt hại từ mức quy định tối thiểu (trong một số quy định, con số này có thể từ 100 triệu đồng trở lên). Đặc biệt, trong môi trường số, việc xác định chủ thể thực hiện hành vi vi phạm còn gặp trở ngại do tính ẩn danh rất cao.
Trong bối cảnh số hóa ngày càng phát triển, vấn đề xử lý vi phạm bản quyền trên hạ tầng số đang gặp không ít trở ngại dù pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ đã có nhiều quy định. Một số ý kiến cho rằng mặc dù hệ thống luật pháp và chế tài hiện hành có đủ điều kiện răn đe, song thực thi lại còn yếu kém, trong khi người khác cho rằng hạn mức xử phạt còn thấp chưa đủ sức răn đe.
Cũng theo ông Vinh, câu chuyện về tính răn đe của pháp luật đối với hành vi vi phạm bản quyền không phải là vấn đề trung tâm vì ở thời điểm hiện nay, những khó khăn chủ yếu phát sinh từ việc luật pháp còn nhiều bất cập cả về nội dung lẫn quy định tố tụng. Cụ thể, trong các quy định xử lý hành vi vi phạm trên môi trường số, đặc biệt là những trường hợp có liên quan đến các bị đơn và máy chủ đặt ở nước ngoài, luật pháp Việt Nam vẫn còn thiếu những hướng dẫn cụ thể và kinh nghiệm thực tiễn.
"Đội ngũ thực thi cần có năng lực chuyên môn cao, song hiện nay, năng lực của các cơ quan chưa đáp ứng được yêu cầu, đồng thời hệ thống tòa án giải quyết tranh chấp về trí tuệ, đặc biệt là trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, vẫn chưa phát huy được vai trò tối ưu do chưa có tòa án chuyên trách", ông Vinh nhận định.
Trong vụ việc liên quan đến bản quyền chương trình "Táo Quân" của VTV, đơn vị vi phạm không chỉ vi phạm mà còn vô tình khiến chính chủ thể sáng tạo bị "đánh" bản quyền. Trước đó, không ít chủ kênh YouTube tại Việt Nam đã bất ngờ nhận được báo cáo vi phạm bản quyền, buộc phải lựa chọn phương án chuyển tiền cho đối tượng khiếu nại để có thể gỡ bỏ nội dung bị cáo buộc. Những hiện tượng này đang làm dấy lên nhiều câu hỏi về tính công bằng và hiệu quả của cơ chế xử lý khiếu nại bản quyền trên các nền tảng trực tuyến, khi mà các chủ thể sáng tạo lại bị thiệt hại ngay trong chính quá trình bảo vệ quyền lợi của mình.
Nhiều kênh mạng xã hội còn đăng tải công khai các bản tin, các chuyên mục mà Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất với tần suất liên tục
Hiện nay, của các nền tảng trực tuyến vận hành theo cơ chế của Đạo luật DMCA (Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số) của Mỹ. Cơ chế này cho phép chủ sở hữu tác phẩm khiếu nại vi phạm trên nền tảng trực tuyến và yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm trong vòng 10–14 ngày nếu người dùng không kháng nghị. Tuy nhiên, quy trình này khá lỏng lẻo vì không kiểm chứng chặt chẽ tư cách pháp lý của người khiếu nại, dẫn đến việc những kẻ giả mạo có thể xưng danh chủ thể quyền để kiện ngược lại chính chủ thể quyền, tạo ra sự nghịch lý và bất công trong bảo vệ bản quyền.
"Để khắc phục những hạn chế này, Việt Nam đã ban hành Nghị định 17 với quy trình "72H10". Cụ thể trong vòng 72 giờ, nội dung bị nghi ngờ vi phạm sẽ bị tạm dừng, tiếp đó là 10 ngày làm việc để xác minh và xử lý khiếu nại. Quy trình này không chỉ ràng buộc các nền tảng trực tuyến phải tuân thủ pháp luật Việt Nam mà còn giúp xác minh đúng tư cách pháp lý của người khiếu nại", ông Vinh cho biết thêm.
Chỉ trong vài ngày qua, câu chuyện về trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở nên nóng hổi với nhiều sản phẩm mới liên tục xuất hiện, kéo theo đó là những thách thức pháp lý về bản quyền đang được đặt ra. Cụ thể, Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của thương mại được xem là một trong những hiệp định quan trọng nhất về quyền sở hữu trí tuệ toàn cầu. Dù đã có quy định rõ ràng về quyền tác giả, sáng chế và bảo vệ quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sở hữu tài sản trí tuệ, nhưng vấn đề liên quan đến các sản phẩm do AI tạo ra vẫn chưa được đề cập. Tại Việt Nam, mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022 đã có một số điều chỉnh, song hiện nay vẫn chưa có cơ chế pháp lý cụ thể nào giải quyết quyền sở hữu đối với các tác phẩm được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo.
Thời gian gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở nên nóng hổi với nhiều sản phẩm mới liên tục xuất hiện
"Theo luật pháp tại Việt Nam, tác giả phải là con người sáng tạo. Vì AI không phải là con người, nên nó không thể được coi là tác giả và từ đó cũng không được bảo hộ quyền tác giả theo quy định hiện hành. Ngoài ra, AI còn được huấn luyện trên khối lượng dữ liệu lớn, trong đó không ít dữ liệu có bản quyền được thu thập mà không xin phép. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ kiện liên quan đến AI, như trường hợp nhiều nhà báo và hãng tạp chí tại Ấn Độ đã kiện OpenAI về vi phạm quyền tác giả", ông Vinh chia sẻ.
Điều quan trọng nhất trong vấn đề bảo vệ bản quyền trên hạ tầng số ở thời điểm hiện tại chính là tốc độ triển khai, bởi sự biến đổi và phái sinh của các hạ tầng số đang phát triển với tốc độ vũ bão. Nếu không đáp ứng kịp thời, thiệt hại kinh tế có thể trở nên khó kiểm soát.