Mới chỉ có khoảng 4% trường đại học hợp tác nghiên cứu, chưa tới 30% hợp tác giảng dạy với các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chưa quan tâm đặt hàng công nghệ, trong khi các nhà khoa học nghiên cứu chưa gắn với thị trường.
Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức hội thảo quốc tế về thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học.
Theo thống kê thì thời gian qua, thị trường khoa học công nghệ nước ta đã có bước phát triển và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, như nguồn cung về các sản phẩm nghiên cứu đã tăng đáng kể, tốc độ tăng giá trị giao dịch bình quân hằng năm đạt 22%.
Thị trường KH&CN còn nhiều rào cản, vướng mắc
Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế, thị trường KH&CN còn trầm lắng, vận hành còn nhiều rào cản, vướng mắc. Hầu hết các viện, trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý và khai thác kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ của đơn vị.
Hiện đang tồn tại một nghịch lý là doanh nghiệp cần công nghệ. Viện nghiên cứu, trường đại học có kết quả nghiên cứu nhưng không chuyển giao được vì sự thiếu đồng bộ giữa các luật khác nhau. Khó khăn hiện nay là ngân sách nhà nước dành cho thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn hạn hẹp. Doanh nghiệp không được tham gia vào quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, vì sợ rủi ro nên chưa nhiều nhà khoa học chọn phương án tự khởi nghiệp, còn doanh nghiệp thì chưa dám đầu tư kinh phí, chủ động đặt hàng nhà khoa học giải quyết vấn đề cụ thể. Đang còn nhiều rào cản khiến cho các kết quả nghiên cứu chưa được ứng dụng nhiều vào thực tế.
Cần cơ chế để đưa nghiên cứu vào cuộc sống
Theo thống kê, doanh thu mang lại được từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ còn thấp, giá trị hợp đồng mang lại được từ chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 30% so với tổng ngân sách dành cho KH&CN.
Hiện, cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học công nghệ có 22.500 thông tin về nguồn cung công nghệ; 365.000 thông tin về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, chỉ 16% doanh nghiệp coi các viện nghiên cứu, đại học ở Việt Nam là nguồn cung hàng hóa này. Theo Tổng cục Thống kê, 75% công nghệ và thiết bị của doanh nghiệp Việt Nam có nguồn gốc nước ngoài. Tổng chi phí mua sắm công nghệ, thiết bị, máy móc của doanh nghiệp cả nước năm 2020 là 40 tỷ USD, tăng 1,5 lần năm 2016. Cả nước có 800 tổ chức trung gian hoạt động trong thị trường khoa học công nghệ.
75% công nghệ và thiết bị của doanh nghiệp Việt Nam có nguồn gốc nước ngoài
Vấn đề tự chủ đại học, rồi tăng tính ứng dụng của nghiên cứu khoa học đã đặt ra nhiều năm nay. Nhưng trong bối cảnh các cơ sở giáo dục đại học đang tiến tới tự chủ như hiện nay, việc nghiên cứu khoa học phải đạt được mục tiêu mở rộng nguồn thu trở thành một yêu cầu cấp bách. Tại hội thảo mới đây của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra các đề xuất giải pháp.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: "Phải có một cái đánh giá, định giá kết quả nghiên cứu một cách khoa học, một cách thực tế để hai bên, nhà khoa học và doanh nghiệp gặp nhau. Cần phải có một cơ quan làm giúp các nhà khoa học, các doanh nghiệp việc đó. Khi đó hai bên sẽ được trao đổi, thỏa thuận, kí kết hợp đồng với nhau, đưa kết quả nghiên cứu đó vào trong thực tế".
Ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam nhấn mạnh: "Từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, để đẩy mạnh chuyển giao công nghệ cần có sự cải thiện từ khung pháp lý cho đến các chính sách và biện pháp thực thi. Chính phủ, các đơn vị nghiên cứu và khu vực tư nhân cần có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Đây là các vấn đề không dễ thực hiện và cần phải được tháo gỡ từng bước một".
Một thị trường khoa học công nghệ phát triển mạnh sẽ góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng xác định đầu tư phát triển khoa học - công nghệ là một trong nhiều giải pháp để thực hiện đột phá chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Do đó, chúng ta chưa thể bằng lòng với tỷ lệ thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học còn hạn chế như hiện nay.
Ngoài ngân sách đầu tư, cần có các quy định và cơ chế thông thoáng, ở góc độ nào đó là cởi trói cho các nhà khoa học thì mới có thể tăng tinh thần tự chủ, đưa nghiên cứu vào cuộc sống. Nếu không, sự lãng phí là không thể đo đếm được.
Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là PGS.TS Vũ Văn Tích, Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.