Người dân chậm nộp phạt vi phạm giao thông sẽ bị tính lãi theo số ngày chậm nộp. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 18/2023 quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, bù trừ số tiền nộp phạt chênh lệch, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách Nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính (Thông tư 18), trong đó có nhiều điểm mới mà người vi phạm, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông đường bộ cần lưu ý. Thông tư 18 có hiệu lực từ ngày 5/5/2023.
Theo thông tư, mọi cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt khi quá thời hạn và cứ mỗi ngày chậm nộp sẽ bị tính thêm 0,05%/ngày trên tổng số tiền chưa nộp.
Số ngày chậm nộp bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp phạt đến trước ngày nộp vào ngân sách Nhà nước.
Việc thu tiền phạt căn cứ vào quyết định xử phạt của người có thẩm quyền. Khi nộp trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại, người nộp phải xuất trình quyết định xử phạt. Nếu chuyển khoản, người nộp ghi rõ nội dung nộp phạt, số quyết định.
Người thu tiền phạt trực tiếp phải lập bảng kê theo mẫu và nộp toàn bộ vào Kho bạc Nhà nước theo quy định. Người bị xử phạt phải xuất trình hoặc gửi chứng từ thu, nộp để nhận lại giấy tờ tạm giữ.
Ngoài ra, Thông tư 18 cũng quy định không tính tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính trong thời hạn được hoãn thi hành quyết định xử phạt.
Trong xử phạt vi phạm hành chính, việc vi phạm hành chính giao thông có tỷ lệ khá lớn. Chẳng hạn như xử lý vi phạm nồng độ cồn, năm 2022, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc xử lý hơn 308.000 trường hợp vi phạm.
Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, chỉ riêng ngày 2/5/2023, lực lượng cảnh sát giao thông cả nước đã xử lý 9.703 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; phạt tiền hơn 20,87 tỉ đồng; tạm giữ 168 ô tô, 4.426 mô tô, 18 phương tiện khác; tước 2.166 bằng lái xe các loại.