Ảnh minh họa: Dân trí.
Theo đó, 6 dịch vụ công chuẩn bị được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) bao gồm: Chứng thực bản sao từ bản chính; Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế; Cấp đổi giấy phép lái xe cấp độ 4; Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của cảnh sát giao thông (phạm vi toàn quốc); Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của thanh tra giao thông.
Trước đó, vào tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG đối với thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (thuộc thẩm quyền xử phạt của cảnh sát giao thông).
Từ 1/7 tới đây, dịch vụ nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến sẽ chính thức được triển khai trên toàn quốc. Ảnh minh họa: Dân trí.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (thuộc thẩm quyền xử phạt của thanh tra giao thông) trên Cổng DVCQG.
Được biết, Cục Cảnh sát giao thông cũng hoàn thiện dữ liệu thông tin để từ 1/7, triển khai đồng bộ và hoàn thiện phần mềm của xử phạt, thực hiện đồng bộ đến các Phòng Cảnh sát giao thông của 63 tỉnh, thành phố.
Dịch vụ thu tiền phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã được thí điểm tại 5 địa phương: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận từ ngày 13/3.
Trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, người vi phạm chọn mục thanh toán vi phạm giao thông và làm theo hướng dẫn. Người dân cũng có thể chọn cách thức nhận lại giấy tờ bị tạm giữ khi đủ thời gian chấp hành xử phạt qua đường bưu điện, hoặc đến trực tiếp cơ quan công an.
theo VTV