Trang South China Morning Post đưa tin, Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) đã hợp tác với các tập đoàn công nghệ, viễn thông Trung Quốc như China Mobile, Huawei Technologies và Cernet Corporation để nghiên cứu và xây dựng mạng Internet đạt tốc độ 1,2 Terabit/giây (tương đương 150 GB/giây) đầu tiên trên thế giới, nhanh gấp 10 lần mạng Internet hiện được sử dụng phổ biến trên toàn cầu.
Một đường cáp quang siêu tốc dài 3.000 km đã được xây dựng để kết nối Bắc Kinh ở phía Bắc với Vũ Hán ở miền Trung và Quảng Châu ở miền Nam Trung Quốc. Đường cáp quang siêu tốc này đã được vận hành thử nghiệm vào tháng 7 năm nay và chính thức ra mắt công chúng vào ngày 14/11 sau khi vượt qua các bài kiểm tra vận hành nghiêm ngặt.
Tuyến cáp quang đạt tốc độ 1,2 Tb/giây mới ra mắt của Trung Quốc đã phá vỡ dự đoán của các chuyên gia công nghệ khi cho rằng mạng Internet đạt tốc độ 1 Tb/giây phải đến năm 2025 mới xuất hiện.
Tuyến cáp quang tốc độ cao này là một phần của "Cơ sở hạ tầng Công nghệ internet của tương lai" (FITI) - một dự án được thực hiện trong 10 năm qua của chính phủ Trung Quốc.
Theo Tân Hoa Xã, tất cả các hệ thống phần mềm và phần cứng của hệ thống mạng Internet siêu tốc này đều được nghiên cứu, phát triển và sản xuất tại Trung Quốc. Việc áp dụng đường truyền Internet siêu tốc vào thực tế có thể giúp đáp ứng các hoạt động của Trung Quốc về giáo dục, nghiên cứu công nghệ mới, phát triển đô thị thông minh, các hệ thống Internet cho vạn vật…
Trên thực tế, hệ thống mạng Internet siêu tốc mới ra mắt của Trung Quốc chỉ là mạng dành cho người dùng phổ thông có tốc độ nhanh nhất thế giới. Trong khi đó, mạng Internet có tốc độ nhanh nhất hiện nay là hệ thống mạng ESnet (Energy Sciences Network) của Mỹ. Đây là hệ thống mạng Internet siêu tốc được phát triển bởi Bộ Năng lượng Hoa Kỳ nhằm cung cấp dịch vụ mạng siêu tốc, đáng tin cậy và an toàn cho các cơ sở và viện nghiên cứu khoa học trên khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, EsSnet chỉ là mạng nội bộ dành riêng cho các nhà khoa học tại Mỹ.
ESnet hiện đã đạt đến tốc độ tối đa 46 Tb/giây (tương đương 5.750 GB/giây). Tốc độ mạng siêu tốc của ESnet giúp các nhà khoa học có thể chia sẻ dữ liệu lớn giữa các trung tâm nghiên cứu, quá trình làm việc nhóm từ xa diễn ra một cách trơn tru và hầu như không có độ trễ…
theo VTV